“Sống trên đời sống cần có một tấm lòng”, ca từ ấy muôn đời có ý nghĩa, đặc biệt khi xã hội hiện đại ngày nay đang đứng trước nguy cơ bị căn bệnh vô cảm xâm thực vào đời sống. Và cách duy nhất để chống lại loài virus này có lẽ là tấm lòng yêu thương, đồng cảm sẻ chia của mọi người. Bằng những cảm xúc chân thành của mình, tôi xin được chia sẻ câu chuyện về đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Quận 12, những con người chiếm được lòng tin yêu hết mực của người bệnh, được người bệnh gọi là “Thầy”, là ân nhân và là “Từ mẫu” của mình.
Rộn ràng những ngày đầu tháng chạp, tôi sơn phết lại ngôi nhà cũ của mình chuẩn bị ăn Tết, những người bán vé số dạo vẫn hay ghé nhưng nhà tôi ít khi nào mua. Gặp chị này, Má tôi lại mua, còn năm vé mua hết cho chị ấy. Tôi vẫn lo sơn phết cái cửa không quay đầu nhìn người phụ nữ thấp bé có tới năm mặt con nheo nhóc khiến Má tôi thương tình hay mua. Đến khi cô ấy nhìn vào hũ sữa bột trên tay tôi dùng đựng sơn pha, rưng rưng nước mắt nhớ đến món quà mà các y bác sĩ trẻ của Bệnh viện Quận 12 mua tặng cho con gái suy dinh dưỡng cấp độ 3 của chị. Chị ấy nghèo đến nỗi cô con gái bé bỏng không có sữa mà uống, mười bảy tháng mà chân yếu chưa đi được, cả nhà ở trọ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, các con ở tuổi ăn học mà mỗi ngày chỉ bán có hơn trăm tờ vé số. Những ngày mẹ con chị ở bệnh viện khi con bé bị viêm đường hô hấp là những ngày chị cảm nhận được tình người và đó là những ngày không bao giờ quên trong cuộc đời của chị. Chị ấy biết ơn nhưng không mua nổi một cành hoa để tặng, tôi bảo sắp tới 27/2, đó là ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi sẽ gửi lời cảm ơn dùm chị, nhưng tôi nghĩ, chị chăm con bé cho tốt là thay lời cảm ơn rồi.
Thế đấy, mọi người ạ, những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, họ tự nhủ phải luôn giữ chiếc áo ấy thật trong sáng, sạch sẽ, tinh khiết, không để bị hoen ố bởi những bụi đời. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, không ít y, bác sĩ bị ma lực của đồng tiền chi phối, khiến y đức đang bị mai một, xuống cấp nghiêm trọng. Lại có những y, bác sĩ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của người bệnh, không nhanh chóng cấp cứu kịp thời, vì vậy đã gián tiếp gây ra cái chết cho người bệnh, khiến bệnh nhân từ chỗ coi thầy thuốc là ân nhân chuyển thành “oán nhân”. Nhưng trên thực tế những vụ việc đó chỉ là cá biệt, thiểu số, những thầy thuốc đó chỉ là vài "con sâu làm rầu nồi canh” trong nền y tế vì nhân dân phục vụ của chúng ta mà thôi.
Một mùa xuân mới lại về trên quê hương Quận 12, những bông hoa nhân ái lại nở rộ rực rỡ trên đất chiến khu, trân trọng kính chúc các bác sỹ, dược sỹ và những người làm việc trong ngành y của Quận nhà luôn khỏe mạnh, yêu nghề, được ngành y tế tạo điều kiện để công tác tốt, giúp người dân được phòng - chữa bệnh, và luôn nhận được sự kính trọng và hợp tác của người bệnh nói riêng và cộng đồng nói chung.
THANH TUYỀN (BT)