Vợ chồng anh Lê Thanh Nhàn (sinh năm 1983) và chị Phùng Thị Hoa (sinh năm 1984) tại tổ 74, khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây đều là hội viên Hội Người mù Quận 12. Dù cuộc sống của gia đình anh luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng tổ ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng không khi nào thiếu vắng đi tiếng nói cười, nhất là khi có thêm hai con lần lượt ra đời và lớn lên khỏe mạnh từng ngày, là nguồn động viên to lớn của gia đình anh chị. Chính sức mạnh từ tình cảm gia đình đã giúp họ vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống.
Niềm vui của vợ chồng anh Nhàn khi cùng chơi với các con khi tạm gác lại những vất vả mưu sinh
Trong căn nhà nhỏ được xây cất tạm bợ trên miếng đất của người bà con cho ở nhờ, vợ chồng anh Nhàn, chị Hoa cùng cô con gái nhỏ 7 tuổi và bé trai vừa được 9 tháng tuổi ở cùng với cha mẹ già và gia đình vợ chồng người chị gái. Một căn nhà nhỏ với 10 thành viên ở chung nên mọi sinh hoạt từ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc đều phải được sắp xếp cho thật gọn gàng trong một diện tích nhỏ hẹp. Phòng khách vừa là nơi để hai chiếc máy may gia công của chị gái, vừa là nơi cả gia đình quây quần bên mâm cơm, vừa là phòng ngủ của ông bà, lại cũng là nơi chơi và học hành cho bọn trẻ. Sức khỏe của ba mẹ và vợ anh Nhàn lại rất yếu, nay đau mai bệnh nên gánh nặng kinh tế của 6 thành viên như càng đè nặng lên đôi vai của anh. Ngoài số tiền hỗ trợ của địa phương 1.140.000 đồng/tháng cho hai vợ chồng khuyết tật, thu nhập của cả gia đình anh Nhàn chỉ có thể trông chờ vào số tiền ít ỏi hàng ngày anh kiếm được từ công việc bán vé số dạo.
Đối với người bình thường, công việc bán vé số đã rất vất vả, huống chi với một người mù lòa như anh. Một mình dò dẫm đón xe buýt đi khắp nơi trên địa bàn thành phố, nay đi Gò Vấp, mai đi Chợ Lớn, mốt đi Bình Thạnh… Ngoài những lần gặp sự cố như lạc đường, té ngã, đau bệnh do dầm mưa dãi nắng, anh Nhàn sợ nhất là những rủi ro đến từ nguy cơ bị kẻ xấu giựt mất xấp vé số trên tay. Anh kể, có khi vừa lấy vé số từ đại lý ra, chưa kịp cất vào giỏ đã bị giựt mất; có tháng anh bị giựt cả chục lần. Những lúc như vậy anh chỉ biết dấu những giọt nước mắt chảy dài trên gò má, rồi tự mình lặng lẽ vay mượn hoặc ghi nợ đại lý để tiếp tục được lấy vé. Nghĩ đến ba mẹ già yếu, vợ đau, con nhỏ, anh không cho phép bản thân mình nản chí, buông xuôi. Một mình ra đường mưu sinh gánh chịu nhiều vất vả nhưng khi về đến nhà anh Nhàn luôn tạo ra cho người thân những khoảng thời gian sum họp vui vẻ từ những điều giản dị nhất. Khi thì con búp bê hay bộ váy áo cũ, khi thì quả bong bóng, lúc miếng bánh, bao gạo... mà mà người xung quanh thương cho hoàn cảnh của anh mà gửi tặng. Anh nói, đời mình thiệt thòi, vất vả nhiều nhưng khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người dù ít dù nhiều nhưng gia đình anh vẫn rất trân trọng. Có lẽ vì suy nghĩ lạc quan như vậy của anh mà gia đình anh lúc nào cũng ấm áp tình yêu thương và rộn rã nụ cười.
Mong muốn lớn nhất của vợ chồng anh Nhàn chính là có được số vốn để anh có thể được đi học nghề để làm được những việc mang tính chất ổn định và căn cơ hơn, vợ anh cũng có điều kiện lấy hàng về làm gia công tại nhà vừa phụ giúp cho chồng, vừa chăm lo cho ba mẹ, con cái. Mong ước về một tương lai ổn định với những điều kiện rất giản đơn nhưng lại trở nên xa vời với hoàn cảnh gia đình phải chạy ăn từng bữa như hiện nay. Chúng tôi được biết thêm, căn nhà nhỏ gia đình anh chị đang ở nhờ trên mảnh đất của người bà con cũng đang trong quá trình tranh chấp, tương lai về cảnh cả gia đình phải đi ở thuê mướn sau khi trả lại căn nhà cứ treo lơ lửng khiến gia đình anh rất lo lắng. Chúng tôi mong muốn qua bài viết này, các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm sẽ giúp sức cho gia đình anh chị, để tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho chặng đường gian nan phía trước của gia đình anh.
Minh Dũng