Sau chiến tranh, trên địa bàn thành phố nói chung và Quận 12 nói riêng có rất nhiều đồng chí thương binh trở về với địa phương, chung tay xây dựng mái ấm gia đình, nhiều người trong số đó đã vươn lên làm kinh tế ổn định và có người trở nên khá giả, sung túc hoặc trở thành nhà kinh doanh phát đạt. Trên địa bàn Quận 12, một trong những đồng chí thương binh đã đạt được những thành công đáng kể, từ đó đã đóng góp hữu ích cho xã hội, đó là ông Nguyễn Đức Đạo, ngụ tại tổ 7, khu phố 5, phường Thạnh Xuân.
Gia đình thương binh Nguyễn Đức Đạo
Ông Nguyễn Đức Đạo sinh năm 1939, trong một gia đình nông dân ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Năm 1950, ông tình nguyện tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc tại xã Vân Hà, huyện Từ Liêm khi ông mới 12 tuổi. Năm 20 tuổi, ông cũng như bao thanh niên khác tình nguyện lên đường để đi theo tiếng gọi của non sông. Sau khi tham gia cách mạng, ông liên tục được giao giữ các nhiệm vụ quan trọng, ở nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc và nhận nhiều giấy khen của đơn vị. Năm 1965, ông được phân công vào chiến trường miền Nam, tại đây trong một lần giao tranh quyết liệt với quân Mỹ vào năm 1969 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, ông đã bị trọng thương. Sau năm 1975, ông về sinh sống ở quận Phú Nhuận và công tác tại Văn phòng 2 Trung ương Đảng ở TPHCM, sau đó về nghỉ hưu và an cư tại khu phố 5, phường Thạnh Xuân. Là thương binh bậc 4/4, sau khi về địa phương sinh sống, với số tiền hưu trí được cấp, ông cùng gia đình bắt tay vào việc kinh doanh mua bán, cùng với các con kinh doanh hàng trang trí nội thất và đồ gốm sản xuất ở Bình Dương, nhờ năng nổ và cần cù trong lao động sản xuất, tích lũy vốn và vay vốn từ Ngân hàng chính sách, gia đình ông nhanh chóng phát triển thành một công ty với tầm hoạt động trong cả nước. Ông Đạo cho biết: “Năm 1998, tôi về định cư tại phường Thạnh Xuân và được đề cử tham gia Cấp ủy khu phố 1, cố vấn cho Hội Khuyến học phường, từ đó tôi tham gia nhiều hoạt động xã hội có ích cho người dân, cho xã hội. Hằng năm với số tiền hưu và do con cháu cùng người thân đóng góp, tôi đi làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo ở trong và ngoài thành phố, riêng tại địa phương nơi mình cư trú năm nào cũng hỗ trợ bà con nghèo từ 200 - 300 kg gạo vào các ngày lễ, Tết, hỗ trợ quà, bánh trung thu cho các cháu thiếu nhi và hơn 1.000 tập sách vở cho các học sinh nghèo nhưng hiếu học.”
Được biết, hằng năm ông cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Thảo tổ chức các chuyến đi từ thiện, giúp đỡ tặng quà và tiền cho các cụ già neo đơn tại các Trung tâm Nuôi dưỡng người già ở Thạnh Lộc và ở Đồng Nai, cùng với các con làm kinh doanh mặt hàng điện tử và điện gia dụng tại thành phố, cùng với ông tự nguyện đóng góp trợ cấp số tiền từ 50 - 60 triệu đồng cho các trại mồ côi ở thành phố và các tỉnh lân cận, tổ chức nấu cơm từ thiện phát cho người nghèo và bệnh nhân tại các bệnh viện trong và ngoài thành phố với chi phí từ 30 - 40 chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Lâm Bửu - Trưởng ban công tác mặt trận khu phố đã nhận định về sự đóng góp cho xã hội của gia đình ông Đạo như sau: gia đình ông Đạo đã sinh sống tại Thạnh Xuân từ những năm đầu mới thành lập quận, trong suốt thời gian qua ông cũng như các thành viên trong gia đình lúc nào cũng lao động cần cù, gương mẫu chấp hành tốt chính sách và đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, có nhiều đóng góp cho xã hội, thường xuyên tổ chức các chuyến đi từ thiện, nhằm giúp đỡ những người nghèo, trẻ em tàn tật, mồ côi, trẻ em nghèo. Những đóng góp về vật chất lẫn tinh thần của gia đình thương binh Nguyễn Đức Đạo không chỉ thể hiện nghĩa cử và phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ mà còn nói lên được tinh thần tương thân tương ái, một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Anh Tuấn