(Trích một số quy định về đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch được Quốc hội ban hành
ngày 04 tháng 12 năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016)
1. Phạm vi điều chỉnh của Luật Hộ tịch:
Luật này quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; Cơ sở dữ liệu và quản lý nhà nước về hộ tịch.
2. Hộ tịch là gì?
- Hô tịch là những sự kiện được xác nhận vào sổ hộ tịch như: Khai sinh; Kết hôn; Giám hộ; Nhận cha, mẹ, con; Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; Khai tử.
- Là việc ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: Thay đổi quốc tịch; Xác định cha, mẹ, con; Xác định lại giới tính; Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; Công nhận việc giám hộ; Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Là việc ghi vào sổ hộ tịch sự kiện Khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Là việc xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
KHAI SINH
3. Ủy ban nhân dân quận thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong trường hợp nào?
Ủy ban nhân dân quận nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:
- Trẻ em sinh ra tại Viêt Nam: Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch; Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- Trẻ em sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam: Có cha và mẹ là công dân Việt Nam; có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
4. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt nam quy định như thế nào?
- Trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài mà chưa đăng ký khai sinh thì được đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân quận nơi cư trú.
- Thủ tục đăng ký khai sinh bao gồm:
a) Tờ khai theo mẫu;
b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con nếu có;
c) Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài.
- Phòng Tư pháp quận kiểm tra hồ sơ và tiếp nhận, đăng ký theo trình tự thủ tục quy định.
KẾT HÔN
5. Ủy ban nhân dân quận thực hiện đăng ký kết hôn trong trường hợp nào?
- Ủy ban nhân dân quận nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
- Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt nam thì Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
- Thủ tục đăng ký kết hôn bao gồm:
a) Tờ khai theo mẫu quy định;
b) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch;
c) Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
6. Trao giấy chứng nhận kết hôn thực hiện như thế nào?
Phòng Tư pháp thực hiện tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ trong thời hạn 03 ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận ký giấy chứng nhận kết hôn.
7. Việc từ chối đăng ký kết hôn trong trường hợp nào?
Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu một hoặc cả hai bên vi phạm điều cấm hoặc không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân gia đình Việt Nam. Việc từ chối được thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho hai bên nam, nữ.
GIÁM HỘ
8. Ủy ban nhân dân quận thực hiện đăng ký giám hộ, chấm dứt giám hộ trong trường hợp nào?
- Ủy ban nhân dân quận nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ giữa công dân Việt nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam; Đồng thời thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ.
ĐĂNG KÝ NHẬN CHA, MẸ, CON
9. Ủy ban nhân dân quận thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con trong trường hợp nào?
- Ủy ban nhân dân quận nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.
- Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con: Người đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp them bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
KHAI TỬ
10. Thẩm quyền đăng ký khai tử của Ủy ban nhân dân quận:
- Ủy ban nhân dân quận nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam.
- Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết theo quy định, nơi Ủy ban nhân dân quận nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện đăng ký khai tử.
- Thủ tục đăng ký khai tử: Người đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử.
ĐĂNG KÝ LẠI KHAI SINH, KẾT HÔN, KHAI TỬ
Việc khai sinh, kết hôn, khai tử của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của người nước ngoài đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bi mất thì được đăng ký lại.
Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người có yêu cầu còn sống tại thời điểm yêu cầu đăng ký lại.
Phòng Tư pháp