Một trong những tồn tại lớn nhất của việc duy trì trật tự an toàn giao thông tại quận là trật tự vỉa hè, lòng lề đường vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, gây ùn ứ giao thông vẫn chưa được xử lý một cách thấu đáo. Thời gian qua, Phòng quản lý đô thị quận, Đội thanh tra địa bàn các phường đã phát động nhiều phong trào, thực hiện năm văn minh đô thị, đã ra hơn 125 quyết định xử phạt, thu ngân sách hơn 80 triệu đồng, thế nhưng việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường vẫn còn khá gian nan. Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn “bám đường” để sinh sống bằng muôn ngàn nghề nghiệp khác nhau. Nguồn thu nhập từ việc buôn bán này là nguồn thu nhập chính của họ… và đây cũng chính là mấu chốt của “bài toán đô thị” cần phải giải quyết. Xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường bằng cách rượt đuổi, không cho phép buôn bán như hiện nay mà nhiều nơi đã làm trên thực tế không mang lại hiệu quả như mong muốn và cũng không phải ngẫu nhiên, khi lực lượng chức năng đi khỏi hiện trường là người buôn bán lại xuất hiện…
Khu vực bán hàng rong đã bắt đầu đi vào hoạt động nhưng
nếu không có người mua thì cũng không mang lại hiệu quả
Theo tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đa phần những gánh hàng rong, những xe ba gác bán hàng tại điểm mua bán tự phát thuộc khu phố 5, phường Tân Hưng Thuận đều bán rau, cá, thực phẩm các loại và đa phần người mua cũng là dân lao động, mua những thực phẩm cần thiết cho bữa cơm chiều. Việc thiết lập lại trật tự đô thị, chấn chỉnh lòng đường, vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ là một chủ trương đúng, đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng, cũng từ đó, nhiều người buôn bán vỉa hè, hàng rong mất đi nơi buôn bán quen thuộc nên gặp nhiều khó khăn trong mưu sinh. Nhiều người nghèo mong muốn được bố trí một địa điểm buôn bán phù hợp để tiếp tục làm ăn, ổn định cuộc sống. Anh Ninh Văn Diệp, một người buôn bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Quá mong muốn: “Mong có một địa điểm gọn gàng để buôn bán, nhỏ cũng được, ngồi một chỗ cũng được, chỉ cần chỗ 1 - 2m thôi để làm sao không ảnh hưởng đến việc đi bộ của mọi người”.
Để giải quyết nhu cầu của người dân, UBND quận có kế hoạch xây dựng điểm bán hàng rong tập trung tại khu phố 5, phường Tân Hưng Thuận, khu vực rộng khoảng 1.500 m2, được bố trí 140 sạp bán hàng, thời gian kinh doanh theo khung giờ quy định. Chị Nguyễn Thị Tha, bán cá tại điểm tự phát này thì chia sẻ: “Trước kia cũng có thuê sạp bán ở chợ, nhưng vướng bận con nhỏ, bán bữa đực, bữa cái, không có lời gì, đành phải sang sạp, ra đây bán được bữa nào hay bữa đó. Giờ nghe nói chính quyền bố trí một khu vực để bán nhưng sợ vô đó lại bán không được như bây giờ vì nhiều người thích tấp lại lề đường mua lắm”. Còn chị Thanh Trang, công nhân công ty Việt Long nói: một khi đã không phân biệt được nguồn gốc của thực phẩm thì mua hàng rong hay mua ở chợ đều giống nhau thôi, đôi khi mua ở chợ tự phát lại không bị nói thách, không phải gửi xe, tiện hơn rất nhiều. Đúng vậy, có “cầu” thì sẽ có “cung”, nếu người mua cứ thích tấp lại lề đường để mua vì tiện lợi thì vòng lẩn quẩn giữa chợ tự phát, bán hàng rong và xử lý, giải quyết sẽ còn kéo dài.
Thiết nghĩ, với mong muốn cho tình hình trật tự lòng lề đường được đi vào ổn định cần có sự chung tay của cả hệ thống, sự chung sức, chung lòng của toàn thể Nhân dân, nếu chúng ta cứ nói “không” với việc mua bán tại lòng lề đường, tại các điểm chợ tự phát thì bài toán trật tự lòng lề đường sẽ được giải quyết ổn thỏa. Mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội với trách nhiệm của mình cũng nên quan tâm phát hiện trong địa bàn dân cư của mình những trường hợp khó khăn để đề xuất chính quyền cơ sở phối hợp đoàn thể chăm lo cho người nghèo, để những mảnh đời khó khăn cơ cực khi thực hiện việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật về lập lại trật tự vỉa hè không gặp khó khăn trong cuộc sống. Các tổ chức đoàn thể ở khu phố cần đi sâu, đi sát, vận động bà con Nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng để cùng với các cấp chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ bà con được ổn định công việc, ổn định cuộc sống. Các tiểu thương ở các chợ truyền thống cần có hình thức niêm yết nguồn gốc sản phẩm của mình, bán đúng hàng, đúng giá, có như vậy mới có được sự tin tưởng của người mua.
Xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn trật tự giao thông, không chỉ là nhiệm vụ của các ngành chức năng, mà nhất thiết cần có ý thức của cả cộng đồng. Các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân cần có sự phối hợp với chính quyền trong công tác lập lại trật tự đô thị. Với những giải pháp trước mắt và lâu dài, cùng với quyết tâm của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, tin rằng việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường sẽ không còn là một bài toán nan giải, góp phần xây dựng tuyến đường văn minh đô thị.
Quốc Khoa