Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
4
0
9
9
9
Tin tức sự kiện 15 Tháng Mười Một 2017 8:30:00 SA

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm do ăn So biển

 Hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có một số chợ, quán ăn có kinh doanh con So/Sam làm thực phẩm. Tuy nhiên, So biển chứa độc tố gây ngộ độc rất nghiêm trọng. Để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm do sử dụng So biển, người dân cần biết một số thông tin cơ bản về con So.

1. So là loài gì? Có độc hay không?

So biển (hay còn gọi Sam lông) tên khoa học là Carcinoscorpius rotundicauda. Con So có chiều dài thân thường không quá 20-25cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn.

Ăn So sẽ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, có thể dẫn đến tử vong.

2. Tại sao ăn So biển lại ngộ độc?

So biển có độc tố tetrodotoxins, là một độc tố thần kinh mạnh. Khi ăn phải, độc tố hấp thu vào cơ thể một cách nhanh chóng. Chỉ sau 30 phút đến 2 giờ sẽ phát triệu chứng ngộ độc và có thể tử vong nếu bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Đặc biệt là chưa có thuốc giải độc.

3. Triệu chứng khi bị ngộ độc So biển?

Triệu chứng chung của các trường hợp này là:

- Cảm giác tê môi, tê đầu lưỡi.

- Đau bụng.

- Vã mồ hôi.

- Giãn đồng tử.

- Tăng tiết đàm nhớt.

- Nôn ói.

- Tụt huyết áp.

- Co giật.

- Liệt hô hấp.

- Hôn mê.

4. Làm gì khi bị ngộ độc So biển?

Ngưng ngay việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc.

Uống nước gây nôn: đối với người bệnh từ 2 tuổi trở lên, còn tỉnh táo, mới ăn trong vòng 1 giờ và chưa nôn. Tuyệt đối không sử dụng gây nôn đối với trẻ sơ sinh từ 0-12 tháng tuổi.

Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế gần nhất hoặc khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Giữ lại thức ăn, bao gồm cả vỏ So, thịt, kể cả chất nôn của người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Nếu có nhiều người ngộ độc: cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời tình hình ngộ độc thực phẩm.

5. Phân biệt Sam biển và So biển:

- Môi trường sống: Khu vực phân bố của con Sam và con So là các vùng ven biển. Đối với con Sam, môi trường sinh sống thiết yếu là các dải cát có thủy triều cao. Còn So biển, môi trường sinh sống thiết yếu là các lạch nước ngọt.

- Kích thước: Con Sam thường có kích thước lớn hơn con So (khoảng 17 – 34cm, nặng 3,8kg). Con So nhỏ hơn (chiều dài thân không quá 20-25 cm), khối lượng nhỏ hơn 1kg. Tuy nhiên cần lưu ý để trưởng thành, Sam cần thời gian khoảng mười năm, do đó rất có thể con So sẽ bị nhầm với con Sam còn non.

- Đuôi: Cách dễ nhận biết nhất giữa con Sam với con So chính là phần đuôi. Đuôi con Sam có tiết diện hình tam giác, với 3 cạnh kéo dài đến tận cuối phần đuôi. Ở đỉnh tam giác có gai nhọn giống như lưỡi cưa. Đuôi con So có tiết diện hình tròn hoặc trứng, không có gai.

- Di chuyển: Con Sam thường đi theo cặp, con đực thường bám trên lưng con cái. Tuy nhiên cần lưu ý nếu vào mùa sinh sản (tháng 3 đến tháng 10), không phải chỉ có Sam đi theo cặp mà So cũng rất có thể đi cặp với nhau.

Mặc dù Sam có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng thực tế cũng khó phân biệt giữa con Sam (không độc) và con So (có độc). Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc khi ăn phải con So, tuyệt đối không ăn thử con So; không ăn khi chưa phân biệt rõ So và Sam và cẩn trọng khi ăn Sam để tránh ngộ độc thực phẩm.

Phòng Văn Hóa và Thông Tin


Số lượt người xem: 1217    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày