Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
4
5
3
3
1
Tin tức sự kiện 28 Tháng Mười Một 2017 4:00:00 CH

Kỷ niệm 77 năm Ngày khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/2017)

* Diễn biến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ

Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23 - 11 đến ngày 31 - 11 - 1940, mạnh nhất là ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiền đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường, cắt dây điện thoại… Ở tỉnh Vĩnh Long, chính quyền cách mạng cấp quận đã được thành lập tại huyện Vũng Liêm. Ở Mỹ Tho, chính quyền cách mạng ở vùng khởi nghĩa tồn tại trong 40 ngày. Một số nơi, Nhân dân lập tòa án cách mạng xét xử bọn phản động, xóa bỏ các thứ thuế vô lý, xóa các khoản nợ, tịch thu thóc gạo của địch chia cho dân nghèo và nuôi nghĩa quân. Trong bão táp cách mạng, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được giương cao trong các cuộc biểu tình, tiến công đồn bốt ở Mỹ Tho (vùng Long Hưng, Long Định), Gia Định (vùng Hóc Môn), Vĩnh Long (vùng Bà Càng), Cà Mau, Chợ Lớn, Tân An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Long Xuyên, Thủ Dầu Một…

Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta năm 1858. Thực dân Pháp khủng bố khốc liệt những người khởi nghĩa. Hàng ngàn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo và các trại tập trung Bà Rá, Tà Lài… thực dân Pháp cũng nhân cơ hội này hành hình nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng ta bị bắt từ trước khởi nghĩa như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Đăng Lưu…

* Những bài học rút ra từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ

Mặc dù thất bại do điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, nhưng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã có nhiều ý nghĩa to lớn. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương”. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của Nhân dân các tỉnh Nam bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập.

Đặc biệt, từ trong tiến trình chuẩn bị và diễn ra khởi nghĩa, lần đầu thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được đề cập trong truyền đơn rải ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băngrol treo trước trụ sở các Ủy ban cách mạng ở Long Hưng, Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong khởi nghĩa Nam kỳ đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của Nhân dân Nam kỳ. Ngọn cờ đỏ sao vàng sau đó đã được Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và đến ngày 09/11/1946, chính thức là “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được ghi trong Hiến pháp, thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ hai (khóa I).

Ngày 14/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 163-SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam bộ năm 1940 “đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với kẻ địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”. Đó là sự khắc sâu của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh to lớn của quân và dân các tỉnh Nam kỳ.

Từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, mà nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng ta đã được trui rèn, thử thách. Sau cuộc khởi nghĩa này, một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân đã trưởng thành và đảm đương những trọng trách mà Đảng ta giao phó về sau. Từ đây, cũng đã có hàng vạn quần chúng Nhân dân yêu nước được thử thách trong đấu tranh, tiếp tục theo Đảng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, tiến tới Cách Mạng tháng Tám năm 1945.

Bài học về mục tiêu trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là minh chứng đầy đủ nhất về chủ trương quan trọng mà Trung ương Đảng đã đặt ra: nhiệm vụ giải phóng dân tộc phải đặt lên hàng đầu, như đã đặt ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1930.

Phát huy truyền thống tinh thần cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, Quận 12 nói riêng đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ V (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đề ra, góp phần thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng.

BTG


Số lượt người xem: 1136    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày