Hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” và nan giải đối với công tác DS-KHHGĐ ở nước ta, đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Do những quan niệm sai lầm, tâm lý chuộng con trai hơn vẫn thể hiện rõ trong đời sống xã hội Việt Nam. Theo thống kê những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta còn ở mức khá cao, rất đáng báo động và nguy cơ mất cân bằng giới tính đã hiện diện. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ số giới tính khi sinh năm 2014 là 105,6%; năm 2015 là 105,2% và đến năm 2016 tăng lên 106,1%. Tại Quận 12, tỷ số giới tính khi sinh năm 2015 là 101.9% đến năm 2016 tăng lên 113,4%.
Tác động của sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như:
1. Thừa nam, thiếu nữ là thách thức đối với cơ cấu dân số Việt Nam trong tương lai.
2. Thiếu nữ nên một số nam giới phải tìm kiếm vợ ở nước ngoài.
3. Gia tăng mâu thuẫn trong tìm kiếm bạn tình và vấn đề hôn nhân
4. Tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và mại dâm.
5. Bạo lực gia tăng đối với các bà mẹ trong các trường hợp ép buộc sinh thêm con trai, ép buộc phá thai nhi là gái và bị ngược đãi khi không sinh được con trai.
6. Tình trạng khan hiếm phụ nữ sẽ cản trở việc nâng cao địa vị của họ trong xã hội và tăng áp lực xin cưới dẫn đến lập gia đình sớm.
Vậy chúng ta không nên lựa chọn giới tính khi sinh mà ngay từ bây giờ, mỗi gia đình cần nâng cao trách nhiệm xã hội. Mỗi cặp vợ chồng đang còn sinh đẻ, cần nhận thức được về các hệ lụy xã hội do mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra.
Không lựa chọn giới tính khi sinh là hành vi tiến bộ, có văn hóa của Gia đình văn hóa, của cộng đồng dân cư văn hóa.
Vì trách nhiệm xã hội: mỗi chúng ta nói không với việc lựa chọn giới tính khi sinh.
Phòng Văn hóa và Thông tin
(Nguồn: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Y tế Quận 12)