- Khi phụ nữ mang thai nhiễm HIV được can thiệp kịp thời bằng điều trị ARV (Thuốc kháng vi rút) và các can thiệp dự phòng khác sẽ giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngay cả khi một phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu được điều trị sớm và đúng cách thì chỉ có khoảng từ 2% đến 5% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV bị nhiễm HIV và thậm chí còn thấp hơn. Tức là 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV nếu được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đúng cách chỉ có 2 - 5 đứa trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với những bà mẹ không được điều trị sớm (30% - 45%).
- Việc điều trị dự phòng bằng ARV sẽ làm ức chế sự nhân lên của vi rút, làm giảm nồng độ vi rút trong máu ở mức thấp sẽ khó có khả năng lây truyền HIV sang con.
- Điều trị sớm là điều trị khi nào? Hiện nay Bộ Y tế khuyến cáo người phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được điều trị bằng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt ngay khi người phụ nữ mang thai phát hiện bị nhiễm HIV.
- Điều trị và dự phòng đúng cách: Bao gồm việc lựa chọn nơi sinh an toàn, tuân thủ việc điều trị bằng thuốc ARV cho mẹ trước, sau sinh và cho trẻ sau sinh cũng như việc nuôi con theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.
- Người phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV cần đăng ký ngay với các cơ sở sản khoa, cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS để được điều trị dự phòng bằng ARV càng sớm càng tốt. Thời gian điều trị dự phòng bằng ARV càng dài thì càng giảm nguy cơ lây truyền HIV sang con.
- Ngoài việc tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc, người phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng cần chủ động hỏi thầy thuốc về việc lựa chọn nơi sinh an toàn, nuôi dưỡng trẻ sau sinh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sau sinh.
Việc dự phòng đúng cách bao gồm một số biện pháp sau:
- Tiếp tục cho trẻ uống ARV theo hướng dẫn của thầy thuốc: Điều trị dự phòng bằng ARV ngay sau đẻ cho đến đủ 6-12 tuần tuổi sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ vì cơ chế ức chế sự nhân lên của vi rút trong cơ thể trẻ.
- Nuôi dưỡng an toàn: Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được nuôi dưỡng an toàn cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có hai lựa chọn nuôi dưỡng trẻ:
+ Nếu gia đình trẻ có đủ điều kiện sau thì nuôi trẻ bằng sữa thay thế sữa mẹ ngay sau đẻ.
• Bà mẹ và gia đình có khả năng về kinh tế để chắc chắn cung cấp đủ sữa ăn thay thế trong 6 tháng đầu.
• Gia đình đồng ý và hỗ trợ nuôi dưỡng bằng sữa thay thế (sữa công thức).
• Sữa thay thế có bán sẵn tại khu vực bà mẹ đang sinh sống.
• Bà mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ có đủ kiến thức, kỹ năng, để chuẩn bị các bữa ăn cho trẻ đúng liều lượng, số lượng, an toàn, và bảo đảm vệ sinh để không có nguy cơ gây tiêu chảy và suy dinh dưỡng cho trẻ .
• Gia đình phải có nguồn nước sạch và vệ sinh được đảm bảo tại hộ gia đình và cộng đồng.
• Bà mẹ và gia đình tiếp cận dịch vụ y tế để nhận được dịch vụ chăm sóc toàn diện cho trẻ.
+ Nếu gia đình trẻ không có 6 điều kiện trên thì nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu (không cho ăn thêm bất cứ thức ăn nước uống nào khác) rồi cho ăn bổ sung từ tháng thứ 7 và cai sữa cho trẻ ăn bổ sung hoàn toàn từ đủ 12 tháng tuổi. Trong thời gian trẻ bú sữa mẹ, bắt buộc người mẹ phải điều trị bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt.
- Ngoài ra, trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV cần được đăng ký và theo dõi sức khỏe tại một cơ sở y tế điều trị về HIV/AIDS để được xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV và điều trị dự phòng nếu có.
Phòng Văn hóa và Thông tin
(Nguồn tài liệu tham khảo: Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế)