Thực hiện Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) như sau:
I. Về mức lương tối thiểu vùng
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 như sau:
1. Mức 3.980.000 đồng/tháng áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (vùng I).
2. Mức 3.530.000 đồng/tháng áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (vùng II).
Doanh nghiệp trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Đối với doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
II. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018
1. Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Mục I nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất ;
b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề. Người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề bao gồm:
- Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo.
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005.
- Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng nghề quy định tại Luật Dạy nghề.
- Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm.
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học.
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài.
- Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
2. Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại Mục I nêu trên, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
III. Triển khai thực hiện
1. Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng tại Mục I trên, doanh nghiệp chủ động, thực hiện ngay việc rà soát để sửa đổi thang lương, bảng lương đang áp dụng đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Quá trình sửa đổi thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở (hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở) và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện. Doanh nghiệp gửi thang lương, bảng lương đã sửa đổi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện (nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp) để giám sát, cụ thể như sau:
- Đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận, huyện: gửi thang lương, bảng lương cho Ủy ban nhân dân quận, huyện (nơi đặt nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp).
- Đối với các doanh nghiệp đóng trong các khu chế xuất, khu công nghiệp: gửi thang lương, bảng lương cho Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố.
- Đối với các doanh nghiệp đóng trong khu công nghệ cao: gửi thang lương, bảng lương cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao.
Riêng doanh nghiệp nhà nước là các tổng công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu, khi sửa đổi thang lương, bảng lương theo mức lương tối thiểu vùng phải gửi báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để có ý kiến trước khi ban hành và gửi Ủy ban nhân dân quận, huyện (nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) theo hướng dẫn trên.
2. Căn cứ vào thang lương, bảng lương đã sửa đổi nêu tại Điểm 1, Mục III nêu trên, doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận điều chỉnh mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động cho phù hợp. Lưu ý, doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương (gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động theo hướng dẫn và quy định tại Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ. Quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị doanh nghiệp phản ánh ngay về địa chỉ sau để được hướng dẫn, cụ thể như sau:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội): địa chỉ 159 Pasteur, quận 3, điện thoại số 38.295.900 - 38.202.634.
- Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (Phòng Quản lý lao động): địa chỉ 35 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, điện thoại: 38.232.575.
- Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố (Phòng Doanh nghiệp): địa chỉ Đường D1, Khu Công nghệ cao, phường Tân Phú, quận 9, điện thoại : 37.360.293; hoặc,
- Hoặc liên hệ các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện ./.
Xem chi tiết tại đây