Nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền cho người dân về việc phòng, chống cháy nổ trên địa bàn khu dân cư, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho người dân và các quy định xử phạt vi phạm hành chính các lĩnh vực liên quan đến đời sống có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy.
(Trích dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy và Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
1. Cháy:
- Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường.
- Chất nguy hiểm về cháy, nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hoá, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ.
- Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ là cơ sở trong đó có một số lượng nhất định chất nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của Chính phủ.
- Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm:
Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
3. Biện pháp cơ bản trong phòng cháy
- Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy.
4. Phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư
- Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.
- Thôn, ấp, bản, tổ dân phố phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; có đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.
5. Phòng cháy đối với cơ sở
- Cơ sở được bố trí trên một phạm vi nhất định, có người quản lý, hoạt động và cần thiết có phương án phòng cháy và chữa cháy độc lập phải thực hiện các yêu cầu cơ bản sau đây:
a) Có quy định, nội quy về an toàn phòng cháy và chữa cháy;
b) Có các biện pháp về phòng cháy;
c) Có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở;
d) Có lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy;
đ) Có phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan;
e) Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
g) Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
6. Hộ gia đình phải chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để phòng cháy và chữa cháy.
7. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy
- Mọi vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy đều phải được phát hiện kịp thời, bị đình chỉ ngay và phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra đều phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
- Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy khi có hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định này.
- Việc xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy phải do người có thẩm quyền được quy định tại chương III Nghị định này tiến hành.
- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung và chỉ ra một quyết định xử phạt.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.
- Khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.
- Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
8. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng , chống bạo lực gia đình thì hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sản xuất, kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ sẽ bị xử phạt với các mức phạt sau đây:
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không có biện pháp, phương tiện ngăn ngừa tích tụ tĩnh điện theo quy định;
b) Không có biện pháp thông gió tự nhiên hoặc không có thiết bị thông gió cưỡng bức theo quy định.
2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không lắp đặt các thiết bị phát hiện và xử lý rò rỉ của các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ra môi trường xung quanh;
b) Không có phương án hoặc thiết bị xử lý sự cố bục, vỡ bể chứa, thiết bị, đường ống chứa, đựng, dẫn dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ và các chất lỏng dễ cháy khác.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép;
b) San, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng nguy hiểm cháy nổ.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm kinh doanh.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đối với hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều này.
7. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
1. Xử lý tình huống thông thường khi xảy ra sự cố cháy:
- Bình tĩnh lựa chọn các giải pháp an toàn;
- Báo động cho mọi người biết bằng hiệu lệnh (Chuông, kẻng, hô to CHÁY…CHÁY..) hoặc ấn nút báo cháy (nếu có);
- Nhanh chóng ngắt điện khu vực bị cháy;
- Báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hỗ trợ bằng cách bấm số điện thoại 113, 114, 115..;
- Sử dụng các phương tiện chữa cháy được trang bị để dập cháy như bình chữa cháy các loại, cát, nước, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà..
- Phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp di chuyển tài sản ra khu vực an toàn, tạo khoảng cách an toàn tránh cháy lan..
2. Xử lý tình huống khi bị rò rỉ ga:
- Đóng van đầu bình ga;
- Mở tất cả các cửa cho khí ga thoát ra ngoài;
- Giữ nguyên tình trạng các thiết bị điện (Không đóng, mở các công tắc điện, không cắm, rút các chuôi điện…);
- Không bật quẹt, va đập các vật kim loại gây tia lửa
- Báo đại lý, công ty ga đến xử lý.
3. Xử lý tình huống cháy do chập điện:
- Khi phát hiện chập điện gây cháy nhanh chóng hô hoán báo hiệu cho mọi người trong nhà biết;
- Nhanh chóng cúp cầu dao tổng, ngắt điện chuyền tải cho ngôi nhà nếu có thể;
- Gọi điện thoại cho lực lượng PCCC qua số 114 và công ty điện lực quản lý;
- Huy động mọi người sử dụng các vật dụng tại chổ để dập tắt đám cháy. Lưu ý không dùng nước để dập lửa vì nước dẫn điện rất nguy hiểm; Chỉ dùng nước khi chắc chắn đã ngắt toàn bộ hệ thống điện; nên đi giày, ủng cách điện nếu có;
- Cử người đón lực lượng chữa cháy và tham gia hỗ trợ công tác tổ chức chữa cháy khi có yêu cầu.
4. Thoát hiểm khi cháy nhà cao tầng:
- Khi đến ở chung cư, nhà cao tầng nên chú ý quan sát các đường, lối, sơ đồ thoát hiểm..
- Phải bình tĩnh suy xét khi có cháy
- Dùng các thiết bị tại chổ dập tắt đám cháy. Nếu không dập được thì đóng cửa phòng bị cháy lại.
- Tìm các lối thoát nạn sẳn có theo đèn chỉ dẫn (Hoặc nghe thông báo qua hệ thống loa, truyền thanh, vô tuyến..). Có thể tìm lối thoát sang phòng khác.
Lưu ý: Hãy sử dụng thang bộ hay theo lối có đèn EXIT để thoát nạn. Tuyệt đối không được sử dụng thang máy vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn có thể bị kẹt và bị ngạt..
- Khi di chuyển trong khu vực có nhiều khói thì phải cúi thật thấp (đôi khi phải nằm sát và bò trên sàn) để khỏi bị ngạt. Nếu có thể nên dùng khăn dấp nước che kín miệng, mũi (giúp hạn chế hít phải khí độc), nếu băng qua lửa để thoát ra nên dùng chăn (mền), áo thấm nước trùm lên cơ thể và chạy nhanh ra ngoài để tránh việc quần áo có thể bị bắt lửa gây bỏng da.
- Kiểm tra nhiệt độ cửa phòng trước khi mở cửa thoát ra ngoài (Sờ vào cửa), nếu nhiệt độ quá cao tuyệt đối không được mở cửa. Khi mở cửa nên tránh mặt hoặc đứng tráng sang một bên phòng ngừa lửa táp vào người.
- Nếu còn trong phòng (không thể ra ngoài) nên dùng chăn, mền, vải, giẻ ướt chèn kỹ các khe hở ở cửa không cho khói tràn vào phòng.
- Nếu không thể thoát ra bằng cửa chính thì nên di chuyển ra cửa sổ, ban công..hô to, vẩy khăn, vải có màu sáng, đèn flast điện thoại di động (khi trời tối) cho mọi người biết vị trí của mình. Gọi cho lực lượng chữa cháy thông tin vị trí của mình.
- Trong khi chờ lực lượng cứu nạn chuyên nghiệp, hãy tìm các phương tiện cứu nạn có sẵn (thang, dây) hoặc dùng rèm, ga xé dọc, áo gió buộc lại.. để thoát hiểm.
- Tuyệt đối không được hoảng hốt nhày từ trên cao xuống rất nguy hiểm. Chỉ nhảy khi có thang, đệm cứu hộ và hướng dẫn của lực lượng chữa cháy hoặc cứu hộ chuyên nghiệp./.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 12