Có thể nói, phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc đã có sức lan tỏa và phát triển sâu rộng trên địa bàn quận trong thời gian qua, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt đời sống xã hội trên địa bàn. Trong đó có nhiều hoàn cảnh mặc dù khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn mạnh mẽ, kiên cường vượt lên số phận, làm chỗ dựa cho cả gia đình. Những vất vả, thiếu thốn trong cuộc sống hằng ngày in dấu trên vóc dáng, gương mặt các dì, chị, các em, nhưng sự thiệt thòi ấy không làm mất đi nghị lực sống, quyết tâm vươn lên trong học tập, lao động. Mỗi hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn cũng là mỗi tấm gương về nghị lực vượt khó, vươn lên.
Các gương phụ nữ vượt khó được Hội LHPN quận
tuyên dương nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3
Căn nhà mái tôn cũ kỹ của gia đình dì Trần Thị Thuỷ, sinh năm 1961, ngụ 120/21, khu phố 2, phường Tân Thới Nhất, là nơi trú ngụ của 3 nhân khẩu, trong đó dì Thủy cũng là lao động chính của ngôi nhà và là điểm tựa duy nhất của 2 người còn lại. Được biết, gia đình dì thuộc diện hộ nghèo, mẹ dì lớn tuổi bị bệnh nằm một chỗ và em gái bị bệnh tâm thần. Hàng ngày, dì phải dậy lúc 3 giờ sáng để nấu xôi bán, dì vừa chăm sóc mẹ và em gái từ việc vệ sinh, ăn uống, sau đó dì mới đi bán. Cuộc sống gia đình dì phụ thuộc vào việc bán xôi, do hoàn cảnh khó khăn nên dì tranh thủ bán xôi thêm buổi chiều. Có những khoảng thời gian, mẹ dì thường xuyên phải nhập viện nên dì phải chăm sóc mẹ ở bệnh viện nên chỉ bán có 01 buổi, nên kinh tế gia đình càng khó khăn, có khi dì nấu xôi rồi nhờ hàng xóm bán giúp để lo tiền viện phí, thuốc thang cho mẹ và chi tiêu trong gia đình. Thế nhưng, dù hoàn cảnh khó khăn và vất vả, trên môi dì vẫn luôn nở nụ cười lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Hằng ngày, dì vẫn cố gắng chu toàn việc chăm sóc mẹ và em, lo cuộc sống cả gia đình và sắp xếp tham gia tốt các hoạt động phong trào phụ nữ ở địa phương. Nhiều năm liền dì được tuyên dương là gương Người con hiếu thảo tiêu biểu và là tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng dân cư.
Dù có hoàn cảnh kém may mắn, nhưng khi đối diện với những khó khăn, thách thức, cô bé sinh ra ở vùng đất Thạnh Lộc - Trần Lê Khả Ái vẫn mạnh mẽ, quyết tâm cố gắng mỗi ngày, nỗ lực cho ngày mai tươi sáng hơn. Hiện gia đình Khả Ái ngụ tại76/11 TL15, tổ 3, khu phố 3C, phường Thạnh Lộc. Gia đình em thuộc hộ cận nghèo của địa phương, có 4 nhân khẩu, ba mẹ là thợ may quần áo tại nhà, em và một em trai. Bản thân em bị khuyết tật câm và điếc, nên việc học tập của em rất khó khăn so với các bạn đồng trang lứa. Em luôn phấn đấu nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập, hiện em là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Hoa Sen. Biết được việc khó khăn của những người bị khiếm khuyết, em tích cực tham gia các hoạt động của trường, đến các trung tâm, cơ sơ khiếm khuyết để hướng dẫn và giúp những em có hoàn cảnh như mình. Ngoài việc học tập và tham gia hoạt động ở trường, về nhà em còn phụ giúp mẹ trong việc nội trợ gia đình.
Hay như em Lê Thị Mỹ An, sinh năm 2000 ngụ 5/71, tổ 19, khu phố 1, phường Thạnh Lộc cũng là một trong số nhiều gương tiêu biểu của quận. Ai gặp Mỹ An đều sẽ ấn tượng với cô gái nhỏ nhắn, dễ mến này, không chỉ bởi bảng thành tích học tập 11 năm liền là học sinh giỏi của trường, nhiệt tình với bạn bè mà còn là một tấm gương đáng khâm phục trong cuộc sống và học tập. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo của địa phương, có 6 nhân khẩu, một anh trai và 02 người em. Ba bị tật chân đi lại rất khó khăn và không có sức khoẻ để lao động nặng nhọc nên ở nhà bó chổi bán, thu nhập không ổn định. Mẹ đi hái rau ở các biền sông, đất trống để bán ở trước nhà, rất ít người mua nên khi bán được, khi không. Hoàn cảnh khó khăn nhưng em vẫn cố gắng đến trường, cố gắng sắp xếp việc học và tranh thủ thời gian phụ giúp ba bó chổi, phụ giúp mẹ cắt rau, bán rau và phụ giúp việc nhà, trông nom các em. Hoàn cảnh khó khăn đôi lúc em rơi vào tình trạng phải bỏ việc học nhưng em đã ý thức và cố gắng tiếp tục học tập và hiện nay em là học sinh lớp 11 Trường THPT Thạnh Lộc, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi. Chia sẻ về những bí quyết học tập, Mỹ An cho biết: “Em đọc và chuẩn bị kĩ trước các môn học ở nhà. Khi đến lớp chăm chú nghe thầy, cô giảng và hệ thống lại các ý chính rồi triển khai ra để học. Ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, thời gian rảnh em thường xuyên tìm sách đọc thêm để nâng cao kiến thức”.
Như những cây xương rồng trên cát, dù trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa, không chỉ dì Thủy, 2 em Khả Ái và Mỹ An kể trên, rất nhiều gương phụ nữ trên địa bàn quận đã vượt lên bóng tối, thắp sáng cho cuộc sống bằng chính nghị lực của họ. Các dì, chị và các em đã vượt lên bệnh tật éo le và cảnh ngộ khó khăn tạo lập hạnh phúc, đã biến những điều không thể thành có thể, biến tuyệt vọng thành hy vọng để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, họ xứng đáng là tấm gương sáng cho không chỉ riêng chị em phụ nữ mà còn cho nhiều người trong xã hội.
Quốc Khoa