Quận 12 là một quận đang trên đà phát triển đô thị hóa có tổng diện tích tự nhiên 5.272 ha, trong đó có 1.176 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao ở một số khu vực có nhiều kênh rạch như An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân bị ảnh hưởng ngập úng, mặt bằng đất trồng trọt nếu không được đầu tư, cải tạo sẽ không sản xuất được. Trước tình hình đó, trong thời gian qua, Hội Nông dân quận chú trọng tổ chức, vận động hội viên, nông dân tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, đúng chủ trương phát triển ngành nông nghiệp của quận, nhiều hộ ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất. Hiện nay, nông dân quận chủ yếu canh tác với khoảng 571 ha diện tích đất sản xuất, trong đó khoảng 67,8 ha mai ghép; 52,5 ha trồng hoa kiểng các loại; 9,8 ha kiểng bon sai, hoa lan; 3,4 ha bưởi đường và 289 ha rau ăn lá và gia vị, số diện tích đất còn lại là vườn tạp; về chăn nuôi thì còn 343 hộ nuôi với số lượng khoảng 5.072 con bò, 175 hộ nuôi khoảng 10.293 con heo và 3,4 ha mặt nước nuôi cá các loại, kỳ đà, cá sấu, lươn, trăn…
Mô hình nấm bào ngư của hội viên Nguyễn Sơn Điền, khu phố 2, phường Thạnh Xuân
Được biết, đầu nhiệm kỳ Hội có 1.883 hộ nông nghiệp với 2.559 hội viên ở 06 cơ sở Hội, 44 Chi hội và 96 Tổ hội. Trong nhiệm kỳ phát triển 958/740 hội viên (đạt 129,46%), bên cạnh đó giảm 2861 hội viên nguyên nhân do quá trình đô thị hóa, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi ngành nghề, chuyển nơi ở khác... Đến nay toàn quận còn 5 cơ sở Hội (Hội Nông dân phường Tân Chánh Hiệp chấm dứt hoạt động), với 33 Chi hội, trong đó 31 Chi hội địa bàn dân cư, 02 Chi hội ngành nghề, về Tổ hội có 64 Tổ, có 909 hộ nông nghiệp và hiện có 1.656 hội viên nông dân. Công tác xây dựng lực lượng nòng cốt phong trào hằng năm luôn đạt 25% số lượng trên tổng số hội viên, 5% lực lượng tập hợp nhanh. Hội Nông dân quận có 100% Chi hội có Quỹ hội, mức đóng góp bình quân 50.000 đồng/hội viên/năm. Quỹ hội được chi thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỷ đối với hội viên; hỗ trợ hội viên gặp khó khăn, thiên tai, hoạn nạn và chi các hoạt động của Hội đúng theo Quy định 1181-QĐ/HNDTW của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Mô hình Bưởi đường của hội viên Châu Thị Mai, phường An Phú Đông
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận, Hội luôn phát huy vai trò trong việc tham gia vào quá trình phát triển nông nghiệp đô thị, hiệu quả, bền vững, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tham gia tập huấn phương pháp trồng các loại cây với diện tích nhỏ nhưng thu nhập cao, sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, đầu tư nghiên cứu phát triển các mô hình mới như mô hình ủ phân bằng chế phẩm sinh học Tricloerrma làm thức ăn tươi sống cho cá cảnh, mô hình cấy mô tạo giống Lan mới, lạ. Duy trì và phát triển các mô hình nông nghiệp phù hợp với phát triển đô thị đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận như hoa Lan, hoa nền, Mai ghép, rau thủy canh và nuôi một số loại con không ô nhiễm như cá kiểng, lươn, kỳ đà, cá sấu…; kết quả đã vận động 1.791 hộ chuyển đổi mô hình, với diện tích chuyển đổi trên 212 ha. Giới thiệu hội viên tham quan học tập theo chương trình của Thành phố trong đó có 07 hội viên học tập các mô hình sản xuất tiên tiến tại nước ngoài (Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan) và 2.510 lượt cán bộ, hội viên tham quan học tập các mô hình trong nước, qua tham quan học tập, nhiều mô hình mới được triển khai như chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học, mô hình trồng hoa Ly, hoa Cát tường, mô hình trồng ra thủy canh, rau an toàn… Hàng năm, phối hợp Trạm khuyến nông quận khảo sát nhu cầu, đề xuất Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ các trang thiết bị và giống cho nông dân như: máy vắt sữa, bình đựng sữa, hệ thống tưới phun tự động và các giống dừa dứa, hoa Lan, hoa nền, cá kiểng….tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, trị giá 4.052.296.000 đồng. Ngành nông nghiệp chuyển dần theo hướng nông nghiệp đô thị, tỷ trọng ngành nông nghiệp đảm bảo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của quận. Hội luôn chủ động, tăng cường công tác phối hợp hợp với các đơn vị chức năng trong việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, dạy nghề, khoa học kỹ thuật, giúp cho hội viên, nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình đồng thời cũng giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho nông dân. Công tác chăm lo hộ hội viên nghèo cũng được quan tâm thường xuyên như công tác dạy nghề, trao tặng công cụ sản xuất, sổ tiết kiệm, bồn nước sạch, học bổng Lương Định Của, thẻ bảo hiểm y tế, tặng quà trong dịp lễ, tết… Ngoài ra, Hội còn thực hiện tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ như thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân gồm dịch vụ về vốn và cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ nông dân thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản và dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân; vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, hội viên nông dân quận cũng ra sức thi đua, tham gia các phong trào như Phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, “xây dựng phường văn minh đô thị”, Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe hội viên nông dân, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”....
Có thể nói, công tác chỉ đạo hoạt động của Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm; gắn việc triển khai thực hiện với kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả, đồng thời kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng có nhiều đổi mới, phù hợp, việc xây dựng tổ chức Hội có giải pháp cụ thể, xây dựng nhiều mô hình mới để tập hợp thu hút hội viên, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện gương điển hình trong sản xuất kinh doanh được tuyên dương và nhân rộng. Từ hoạt động của Hội đã góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, nâng cao đời sống trong hội viên nông dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, tham gia thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Anh Thư