1. Quy cách trồng cây đường phố
- Cây thẳng, dáng cân đối, không sâu bệnh;
- Cây đưa ra trồng trên đường phố: Cây tiểu mộc có chiều cao tối thiểu từ 1,5m trở lên, đường kính cổ rễ từ 5cm trở lên; đối với cây trung mộc và đại mộc có chiều cao tối thiểu 3m trở lên, đường kính cổ rễ từ 6cm trở lên.
- Đối với cây xanh vỉa hè trồng trong bồn cây: Bồn cây kích thước tối thiểu 1,2m x 1,2m hoặc có đường kính tối thiểu 1,2m; khoảng cách các cây được trồng tính từ cây đến mép lề đường từ 0,6m đến 1,0m tùy thuộc vào loài cây đại mộc, trung mộc, tiểu mộc hoặc theo từng vị trí cụ thể của quy hoạch trên khu vực, đoạn đường.
- Cây đưa ra trồng nơi khác có chiều cao từ 2m trở lên, đường kính cổ rễ từ 3cm trở lên.
- Cây mới trồng phải được chống giữ chắc chắn, ngay thẳng.
- Cây xanh trồng trên đường phố phải được lắp đặt bó vỉa bảo vệ gốc cây, mẫu bó vỉa thực hiện theo hướng đồng mức với vỉa hè, lề đường.
- Các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa khoảng 15m.
- Các tuyến đường hẹp có vỉa hè rộng từ 3m đến 5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa khoảng 12m.
- Tùy theo chủng loại khoảng cách các cây trồng trên đường phố có thể từ 8m đến 12m.
- Cây trồng phải cách trụ điện tối thiểu 2m; cách miệng hố ga tối thiểu 2m; cách giao lộ, đầu giải phân cách tối thiểu 5m. Vị trí trồng bố trí theo đường ranh giới giữa hai nhà.
- Các tuyến đường có lưới điện cao thế chạy dọc trên vỉa hè có diện tích hẹp, có công trình ngầm chỉ được trồng các loại cây cao không quá 4m.
- Các tuyến đường có chiều dài trên 2km có thể trồng từ 1 đến 3 loại cây khác nhau.
- Các dải phân cách có bề rộng 2m trở lên có thể trồng các loại cây kiểng hoặc cây bụi thấp dưới 1,5m.
- Các dải phân cách có bề rộng 2m trở lên có thể trồng các loại cây thân thẳng với chiều cao thân cành từ 5m trở lên. Bề rộng của tán, nhánh cây không rộng hơn bề rộng của dải phân cách.
- Trồng cây dây leo ở các bờ tường, trụ cầu của hệ thống đường dẫn, cầu vượt để tạo thêm nhiều mảng xanh trên đường phố, cần có khung với chất liệu phù hợp cho dây leo và bảo vệ tường, trụ cầu.
2. Hướng dẫn cách thức trồng cây
Vật liệu trồng cây cần có: cây trồng; cuốc hoặc xẻng trồng cây; phân bón; cây chống và dây buộc.
* Bước 1: Đào hố trồng cây.
- Dùng cuốc dảy đi lớp cỏ trên mặt đất (nếu có) rồi tiến hành đào hố trồng cây;
- Kích thước hố trồng cây: đường kính 30 cm (hoặc diện tích 30cm x 30cm); sâu 30cm.
* Bước 2: Xé bỏ bầu.
- Dùng tay xẻ bỏ bầu đất bằng ni lông trước khi đặt cây xuống hố trồng;
- Khi xé bầu phải đảm bảo bầu đất không bị vỡ để tránh ảnh hưởng đến bộ rễ cây trồng.
* Bước 3: Trồng cây.
- Đặt cây đã xé bầu xuống hố trồng;
- Cây được đặt thẳng đứng ở chính giữa hố;
- Dùng cuốc hoặc xẻng để xúc phân hữu cơ cho xuống hố trồng cây. Mỗi hố trồng bỏ 3kg phân hữu cơ;
- Sau khi bỏ phân bón vào hố mới tiến hành xúc đất để lấp hố;
- Sau khi lấp xong, dùng chân dậm xung quanh hố để chèn chặt gốc, bàn chân cách gốc cây 10cm để tránh ảnh hưởng đến bộ rễ cây mới trồng.
* Bước 4: Cắm cọc cho cây trồng.
- Cọc cây được cắm sát với gốc cây trồng, cách gốc cây khoảng 5cm để tránh hư phần rễ cây mới trồng;
- Cột dây ni lông cố định vào cọc chống ở phần ngọn và gốc của cây trồng.
3. Hướng dẫn quy trình bảo dưỡng
* Tưới nước:
- Trước khi thực hiện quy trình chăm sóc thì chắc chắn việc đầu tiên phải làm đó là việc chọn một đơn vị thi công cảnh quan để thi công trồng cây xanh và thảm cỏ, nên chọn một đơn vị uy tín để thực hiện việc tư vấn hoặc thi công vì sự phát triển của cây, cỏ sau này phụ thuộc rất nhiều vào giống cây hay phương pháp trồng đầu tiên.
- Sau khi thi công xong, chế độ chăm sóc của tháng đầu tiên luôn quan trọng nhất bởi vì cây chưa phát triển ổn định tại môi trường mới nên phải cung cấp nước tưới thường xuyên ít nhất 2 lần/ 1 ngày vào mùa khô để đảm bảo cây cỏ luôn đủ nước phát triển, phải luôn có người túc trực hàng ngày để theo dõi và tưới nước cho cây cỏ.
- Sau 1 tháng dường như cây và cỏ đã phát triển ổn định và bắt đầu hòa nhập với môi trường sống thì có thể tiết chế bớt lượng nước tưới, có thể tưới 1 lần/ 1 ngày, đảm bảo cây đủ nước tuy nhiên cũng không thể để cây úng rễ do nhiều nước.
* Bón phân kích thích
Bón phân định kỳ: Việc bảo dưỡng cảnh quan tháng đầu hay những tháng tiếp theo bạn nên bón phân định kỳ để cỏ và cây phát triển mỗi tháng 1 lần; tuy nhiên, không nên chỉ sử dụng một loại phân ure để bón mà nên xen kẽ phân ure và phân vi sinh để cây phát triển tốt cũng như cải tạo đất cho lâu dài, có thể một tháng bón phân ure và tháng sau bón phân vi sinh như vậy sẽ không lo các vấn đề đất bị thoái hóa nữa.
* Nhổ cỏ dại
Nhổ cỏ dại: Tùy thuộc vào sự phát triển của cỏ dại để sắp xếp số lượng nhân công nhổ cỏ, thông thường mỗi tháng nên nhổ cỏ dại 1 lần để tránh tình trạng cỏ dại phát triển cạnh tranh cỏ cảnh và cây, nếu cỏ dại quá nhiều sẽ làm cho thảm cỏ hoang tàn và thoái hóa.
* Cắt tỉa cây và thảm cỏ
- Cắt tỉa cây định kỳ: Tại các nhà máy, khu đô thị cần thường xuyên cắt tỉa cành cây xanh để tránh tình trạng gãy, đổ gây ảnh hưởng tới tính mạng con người và tài sản, chính do vậy cây xanh mỗi năm cần cắt tỉa 1 lần và thường vào đầu mùa mưa.
- Cắt tỉa thảm cỏ định kỳ: đối với thảm cỏ hay cây hoa lá màu việc cắt tỉa cần thường xuyên để cây ra lá non và cành nhánh mới kích thích sự ra hoa và cho một màu xanh tươi hơn, có thể cắt cỏ 2 đến 3 tháng 1 lần, sau khi cắt cỏ cần bón phân kích thích để cỏ ra lá mới nhanh hơn.
* Phòng trừ sâu bệnh
Kiểm tra và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh: Tại các nhà máy, khu đô thị, số lượng cây rất nhiều và thảm cỏ rộng, nguồn nhân lực để thể theo dõi sự phát triển của từng cây hạn chế nên cây dễ bị sâu hại xâm chiếm, rất dễ lây lan và nếu không điều trị kịp thời cây sẽ chết gây thiệt hại lớn, chính vì vậy để đảm bảo 1 - 1,5 năm/ 1 lần, nên phun thuốc phòng trừ các loại sâu bệnh hại như rệp, sâu hại lá, sâu đục thân để bảo vệ cho cây của mình./.
Phòng Quản lý đô thị Quận 12