“Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay”, ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của khoa học kĩ thuật và công nghệ số đã làm thay đổi một số thói quen thường ngày của giới trẻ, một trong những vấn đề nổi lên đó là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay. Để khơi dậy và phát huy lòng ham mê đọc sách, biết yêu quý và trân trọng những trang sách, đọc và làm theo sách của các em học sinh, đồng thời đẩy mạnh phong trào đọc sách báo, phát triển kỹ năng sống cho học sinh, rèn luyện tính tự giác học tập, đoàn kết, giao lưu với các bạn, tạo thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, trong những năm qua, đa số các trường học trên địa bàn quận đã và đang nhân rộng mô hình kể chuyện theo sách.
Một phần thi xúc động của học sinh tại Hội thi kể chuyện
theo sách do Hội LHPN phường Thới An tổ chức
Theo đó, từ những câu chuyện trong sách mà các em học sinh đã được học, các trường học đã xây dựng các chương trình hội thi kể chuyện theo sách, với lối kể diễn cảm của các em học sinh đã giáo dục sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; đề cao tinh thần ham học, say mê học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, phấn đấu vươn lên, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của thiếu nhi, ca ngợi truyền thống hiếu học của dân tộc… Bên cạnh những câu chuyện cổ tích còn có các câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi câu chuyện các em kể về tấm gương đạo đức Bác Hồ mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc, để từ đó mỗi người tự rút ra cho mình những bài học lớn, bài học từ tấm gương đạo đức của Bác không phải là những gì chung chung mà là những lời dạy thấm đậm ân tình và chứa chan tình cảm yêu thương con người… Điển hình như Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Hiệp Thành), đây là ngôi trường hằng năm đều tổ chức thành công Hội thi kể chuyện theo sách, và để thực hiện thành công mô hình kể chuyện theo sách, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng các chương trình cụ thể bằng việc ngay tại các giờ chào cờ đầu tuần của nhà trường đều tổ chức kể 1 câu chuyện. Qua các buổi chào cờ hàng tuần giúp các em học sinh hình thành ý tưởng và biết cách thực hiện kể lại câu chuyện theo lời kể của mình. Nội dung những câu chuyện kể là những câu chuyện các em đã đọc trong các truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn hay trong sách tiếng việt, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam và đề cao tinh thần say mê học tập, những tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống, nêu gương người tốt việc tốt giúp các em hình thành nhân cách ngay từ thời thơ ấu. Các em đã biết chuyển giọng phù hợp với từng nhân vật trong từng câu chuyện, có minh họa bằng Powerpoint làm cho câu chuyện kể cá nhân nhưng không kém phần hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Người nghe đã thật sự cuốn hút vào lối kể chuyện hấp dẫn, sáng tạo của em.
Em Phan Thị Anh Thư, học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Bội Châu chia sẻ: “Mỗi lần tham gia Hội thi kể chuyện theo sách đều để lại cho em và các bạn cổ động viên những cung bậc tình cảm hết sức đặc biệt. Tại đây, chúng em được lắng nghe những giọng đọc sâu lắng, truyền cảm qua các mẫu chuyện như “Bông hoa cúc trắng”, “Chị em Thúy Kiều”, “Mỵ Châu Trọng Thủy” , hay là câu chuyện về các anh hùng dân tộc, các địa danh lịch sử của đất nước, từ đó giúp chúng em thêm yêu Tổ quốc, yêu gia đình, biết ơn cha mẹ, thầy cô và quý mến bạn bè mình nhiều hơn..." Đó là những ấn tượng đẹp và ý nghĩa trong lòng đa số các em học sinh.
Song có lẽ tất cả những gì mà hội thi đã để lại là sự quan tâm chu đáo của Ban giám hiệu nhà trường, sự nhiệt tình của giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng như sự hăng say tập luyện của các em học sinh. Nhiều bài học rút ra qua các hội thi chính là phần nào đã thể hiện được trách nhiệm của thế hệ trẻ - những mầm non tương lai của đất nước đang từng ngày cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc kính yêu. Mô hình kể chuyện theo sách ở các trường học đang cần được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Quốc Khoa