Hiện nay, ô nhiễm chất thải nhựa, nhất là túi ni lông ở các nước trên thế giới cũng như ở nước ta đang trong tình trạng báo động. Ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất một túi ni lông, trong khi đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3 đến 6 túi ni lông/ngày, đây là một con số rất lớn. Không kể những tác hại môi trường mà các thế hệ sau phải gánh chịu, túi ni lông còn gây ra nhiều tác hại trước mắt, trực tiếp vào người sử dụng như: Làm tắc các đường dẫn nước thải gây ngập lụt cho đô thị, dẫn đến ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh… Bao bì ni lông cũng đe doạ trực tiếp tới sức khoẻ con người vì nó chứa chì, cadimi… (có trong mực in tạo mầu trên các bao bì) có thể gây tác hại cho não và là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. Vấn đề đối với túi ni lông là chúng không phân huỷ thành các chất vô hại, phân huỷ rất chậm trong môi trường tự nhiên và là chất thải tồn tại lâu dài.
Để bảo vệ môi trường sống của chính mình mỗi người dân chúng ta cần có những hành động thiết thực và cụ thể để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do túi ni-lông gây ra cho sức khoẻ và môi trường sống. Chỉ cần một số hành động nhỏ như tạo thói quen mang theo túi khi đi mua sắm, ưu tiên sử dụng các loại túi có thể sử dụng nhiều lần như túi vải, túi giấy tái chế, túi sinh học, làn nhựa; Thải bỏ túi ni lông đúng cách, không vứt túi ni lông bừa bãi xuống đường phố, kênh rạch, cống rãnh; Không được tự ý đốt hoặc chôn lấp túi ni lông… là đã góp phần làm cho môi trường giảm đi được rất nhiều ô nhiễm.
Phòng Văn hóa và Thông tin