Sau 4 năm triển khai thực hiện cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn quận đã đạt được một số kết quả và chuyển biến trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thông qua việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, khắc phục những thiếu sót. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của quận chưa ổn định, thiếu bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Nhằm mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của kinh tế trên địa bàn quận góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, góp vốn nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố bảo đảm các loại thị trường được vận hành đầy đủ, thông suốt. Ủy ban nhân dân Quận 12 đã ban hành Quyết định số 2094/QĐ-UBND ngày 14/9/2018 về ban hành Kế hoạch cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tình (PCI) và tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quận 12 năm 2018 và những năm tiếp theo với những nội dung chính như sau:
1. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế;
2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội);
3. Nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh, vệ sinh môi trường các khu, địa điểm du lịch;
4. Phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành;
5. Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ; chỉ đạo cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng;
6. Tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước; triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, … và chia sẻ dữ liệu thông tin phục vụ quản lý Nhà nước; thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thuê ngoài đối với các dịch vụ liên quan đến thanh toán, chi trả, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin;
7. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đồng bộ, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp; đảm bảo quyền bình đẳng của doanh nghiệp trước pháp luật;
8. Triển khai có hiệu quả, nền nếp nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; hoàn thiện hệ thống thể chế và các thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn quận; 100% đơn vị áp dụng công nghệ thông tin thông tin quá trình tiếp nhận – xử lý – trả kết quả hướng đến một Chính phủ điện tử nhằm mục đích phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp; công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục khi có nhu cầu hay trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước;
9. Tiếp tục công tác đào tạo nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc;
10. Công khai công tác quy hoạch, kế hoạch, tài liệu pháp lý của Thành phố và Quận trên công thông tin điện tử của đơn vị. Hướng dẫn chi tiết việc tham chiếu các văn bản luật và quy định của các cấp từ Trung ương đến địa phương để tất cả doanh nghiệp tiếp cận một các dễ dàng;
11. Công khai minh bạch bằng nhiều hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử hoặc văn bản niêm yết tại trụ sở cơ quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính về thời gian, chi phí, quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm soát. Tập trung trên các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai, cấp giấy phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, phí và lệ phí, giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, ….
12. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa các cơ quan chính quyền với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức: Tiếp xúc trực tiếp, thông qua hệ thống trang thông tin điện tử, đường dây nóng của cơ quan … để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và tháo gỡ kịp thời;
13. Tổ chức đánh giá sự hài lòng của các doanh nghiệp sau khi giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó cần nêu rõ các lý do chưa hài lòng để chấn chỉnh và khắc phục.
Phòng Văn hóa và Thông tin