Bệnh Dại ở Việt Nam đang diễn ra rất nghiêm trọng, hàng năm có nhiều người chết do bệnh Dại và rất nhiều người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế điều trị dự phòng. Mầm bệnh lây truyền bệnh Dại cho người chủ yếu là từ chó nuôi và khi bị chó Dại cắn mà không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng thì chắc chắn sẽ tử vong hoặc phải tốn chi phí khá lớn để điều trị những tổn thương do chó cắn. Vì vậy, để giảm thiểu về tính mạng, sức khỏe và kinh tế cho người dân việc hiểu biết về bệnh Dại và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh Dại trên động vật là khâu rất quan trọng.
Khái niệm bệnh: Bệnh Dại (Rabies) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra do vi rút Lyssa và Vesiculo thuộc họ Rhabdoviridae. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tuỳ thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.
Nguồn bệnh: Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã như chó sói, chó rừng, ngoài ra còn ở mèo, chồn, cầy, cáo và một số loài động vật có vú khác như gấu trúc, các loài dơi hút máu, dơi ăn sâu bọ.
Đường lây truyền: Vi rút xâm nhập qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở.
Triệu chứng lâm sàng: Có 2 thể bệnh điển hình
1. Thể điên cuồng:
Thể bệnh này hay gặp ở chó và mèo sau khi bị nhiễm vi rút dại là thời gian ủ bệnh chó có hành động khác thường như: bồn chồn, đi lại không yên, ngơ ngác, sợ ánh sáng, bỏ ăn chảy dãi nhiều, ban đêm kêu hú không ngủ, sau đó chó mất phản xạ quen chủ, lên cơn điên dại, tấn công dữ dội vào mọi người kể cả chủ, chạy rông trên đường phố, mắt đỏ ngầu, đồng tử giãn rộng, chui vào bụi: xó tối, chó gầy rạc, lên cơn co giật và chết trong vài ngày.
2. Thể bại liệt:
Khác hẳn với thể điên cuồng, chó buồn bã, bỏ ăn, thường thích nằm im lặng “Thể dại im lặng”. Cơ nhai và họng bị liệt không ăn, không nuốt được, hàm dưới thường trễ xuống chảy nhiều nhớt dãi quanh mép, ở thể này chó không cắn nhưng nước bọt và nhớt dãi chứa vi rút có thể truyền bệnh cho người và động vật khác qua các vết thương ngoài da có chảy máu. Chó chết trong trạng thái bị liệt hoàn toàn sau 3-5 ngày phát bệnh. Thể này rất nguy hiểm vì người ta không nghĩ đến bệnh dại nên gia chủ vẫn có thể chăm sóc và vuốt ve chó.
3. Ở mèo
Mèo có thời kỳ nung bệnh ngắn hơn, thường từ 6-10 ngày. Cũng như chó, mèo thường thể hiện thể dại điên cuồng. Mèo bỏ nhà đi lang thang, lao vào tấn công, cắn xé người và súc vật khác mà nó gặp, kêu gào thảm thiết. Cuối cùng mèo dại chết trong tình trạng liệt toàn thân, kiệt sức và hôn mê sau 6-7 ngày phát bệnh.
4. Ở người
- Không ngừng chảy nước miếng và có thể từ chối uống nước;
- Họng đau đớn khi cố gắng nuốt chất lỏng, làm phát sinh thuật ngữ sợ nước;
- Có khi mất phương hướng và dễ bị kích thích;
- Một số bệnh nhân chết trong tình trạng co giật; một số khác liệt thần kinh vận động và ngừng hô hấp.
Các biện pháp phòng, chống bệnh Dại
- Đối với chủ nuôi chó, mèo:
+ Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
+ Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
+ Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
+ Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
- Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã:
+ Lập danh sách các hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn (bao gồm các thông tin sau đây: Họ tên và địa chỉ của chủ nuôi; số lượng chó, mèo nuôi; ngày tháng, năm tiêm phòng vắc xin Dại);
+ Hằng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn;
+ Thành lập Đội chuyên trách để thực hiện việc bắt chó thả rông ở nơi công cộng, động vật mắc bệnh Dại hoặc có dấu hiệu nghi mắc bệnh Dại thuộc địa bàn quản lý. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận;
+ Phối hợp với cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên địa bàn; tổ chức đợt tiêm phòng tập trung theo từng thôn, ấp hoặc cụm dân cư. Trong vòng 07 ngày trước đợt tiêm phòng và trong thời gian triển khai tiêm phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo hằng ngày trên các phương tiện thông tin hoặc cộng đồng dân cư trên địa bàn về địa điểm và ngày tiêm phòng.
Biện pháp xử lý khi xảy ra dịch bệnh Dại:
Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện khác thường như trở nên hung dữ cào cắn người hay động vật khác thì chủ nuôi phải có trách nhiệm khai báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất. Đồng thời nhốt riêng chó, mèo nghi mắc bệnh, không cho tiếp xúc với động vật cảm nhiễm xung quanh để theo dõi. Khi nhận được tin báo, cơ quan thú y có trách nhiệm cử cán bộ đến kiểm tra, xác minh, hướng dẫn chủ nuôi các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đồng thời thông báo cho cơ quan y tế để tăng cường biện pháp phòng bệnh Dại cho người. Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm nếu kết quả dương tính với bệnh Dại phải áp dụng đồng bộ các biện pháp chống bệnh Dại theo quy định.
Phòng Văn hóa và Thông tin