Hiện nay bệnh Dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, theo thống kê đến ngày 20/2/2019 bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 329 xã, 66 huyện và 20 tỉnh (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Lai Châu) với tổng số lượng bệnh và tiêu hủy là 42.254 con.
Nguyên nhân chính lây lan bệnh Dịch tả heo Châu Phi tại Việt Nam được xác định gồm 03 nhóm nguyên nhân cụ thể sau:
1. Mua bán vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết (36%);
2. Con người, phương tiện ra vào hộ chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học (25%);
3. Sử dụng thức ăn thừa.
Nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ rất cao, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát mối nguy an toàn sinh học.
Trước tình hình trên, để tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên địa bàn Quận 12, Ủy ban nhân dân quận khuyến cáo người dân đặc biệt là các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận thực hiện một số nội dung như sau:
1. Đối với các hộ chăn nuôi heo:
- Thực hiện ngay các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi, nguồn thức ăn phải đảm bảo an toàn không nhiễm lây bệnh, thực hiện tiêm phòng đầy đủ; không tăng đàn trong giai đoạn hiện nay.
- Hạn chế khách tham quan, hạn chế cho thương lái vào khu vực chăn nuôi. Trong trường hợp phải đi vào chuồng nuôi cần phải thay trang phục và mang ủng hoặc giày dép của trại, đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng cho người, dụng cụ và phương tiện.
- Tăng cường chăm sóc, cung cấp thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc. Thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng chuồng trại ít nhất 1 lần trong một tuần.
- Khi nhập gia súc về nuôi và khi xuất bán gia súc phải khai báo kiểm dịch với Trạm Thú y địa phương.
- Trong khi tình hình dịch bệnh chưa ổn định thì hạn chế nhập mới gia súc về nuôi nhất là từ khu vực các tỉnh có nguy cơ cao. Trong trường hợp cần thiết thì chỉ nên nhập gia súc từ các trại chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y.
- Ngưng việc sử dụng thức ăn cho heo có nguồn gốc từ thức ăn dư thừa tại các quán ăn, nhà hàng vì đây là nguồn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao.
- Khi phát hiện đàn gia súc có những biểu hiện của bệnh truyền nhiễm như sốt cao, bỏ ăn hàng loạt, ... hoặc gia súc có các triệu chứng điển hình của bệnh Dịch tả heo châu Phi như đã nêu ở trên thì phải nhanh chóng báo cho chính quyền hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương để được kiểm tra và xử lý kịp thời. Số điện thoại đường dây nóng: (028) 38 536 132.
2. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống: Sử dụng các sản phẩm thịt gia súc đã được cơ quan thú y kiểm dịch. Không mua và sử dụng các sản phẩm thịt gia súc không rõ nguồn gốc và không chế biến gần khu vực chăn nuôi.
3. Người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển heo sống, các sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú ý vào thành phố tiêu thụ.
Phòng Văn hóa và Thông tin