1. Hỏi : Thừa phát lại là gì?
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì: Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm một số công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, một mặt Thừa phát lại không phải là công chức, không phải người được khoác áo nhà nước, nhưng mặt khác, Thừa phát lại được nhà nước tuyển chọn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bổ nhiệm để làm những công việc thuộc thẩm quyền nhà nước. Khi thực hiện những công việc này, Thừa phát lại được sử dụng quyền lực nhà nước.
2. Hỏi: Tại sao phải thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại?
Đáp: Về mặt lý luận và thực tiễn, chế định Thừa phát lại ra đời mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân và cả cho Nhà nước;
- Trước hết, sự xuất hiện của Thừa phát lại bên cạnh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn phương thức thi hành án thích hợp và hiệu quả nhất.
- Sự ra đời của các văn phòng Thừa phát lại sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác thi hành án dân sự, tạo động lực to lớn nhằm thúc đẩy các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước trong việc đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân.
- Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành đã đưa ra nguyên tắc: Ai đi kiện thì người đó phải chứng minh và phương tiện để chứng minh thuyết phục nhất là chứng cứ. Thừa phát lại chính là thiết chế giúp người dân lập vi bằng có giá trị chứng cứ để chứng minh. Và theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì người được thi hành án phải có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án, do vậy, họ rất cần sự trợ giúp của Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Ở khía cạnh này, Thừa phát lại được ví như một trợ thủ pháp lý đắc lực của người dân.
- Nếu chủ trương thí điểm Thừa phát lại thành công sẽ giảm tải đáng kể cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là cho Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, mô hình Thừa phát lại còn giúp Nhà nước tiết kiệm được ngân sách, tiết kiệm được nhân lực và góp phần thu gọn bộ máy và tinh giản biên chế của cơ quan nhà nước.
- Việc triển khai chế định Thừa phát lại sẽ thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự và hệ quả tất yếu là người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, quyền lợi hợp pháp được đảm bảo tốt hơn.
Với ý nghĩa đó, mặc dù vẫn sử dụng tên gọi cũ là Thừa phát lại nhưng quan điểm về Thừa phát lại, nội dung của chế định Thừa phát lại đã không còn giống như trước đây. Có thể nói, tên gọi thừa phát lại là cũ nhưng mang nội hàm mới, cách làm mới và nhiệm vụ mới. Vì vậy, việc thí điểm chế định Thừa phát lại với mục đích đánh giá kết quả thực hiện chế định trước khi áp dụng trong thực tiễn cuộc sống.
3. Hỏi : Thừa phát lại được làm những công việc gì?
Đáp: Theo Điều 3 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thìThừa phát lại được thực hiện những công việc sau đây:
- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
- Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
4. Thừa phát lại không được làm những việc gì?
Đáp: Theo Điều 6 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì Thừa phát lại không được làm những công việc sau:
- Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
- Không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
- Không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
- Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
5. Hỏi : Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ cho các hoạt động của Thừa phát lại như thế nào?
Đáp: Theo Điều 4 Nghị định số61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có.
6. Hỏi: Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt như thế nào?
Đáp: Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án (trừ Tòa phúc thẩm TANDTC) và Cơ quan THADS do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các văn bản Thừa phát lại tống đạt bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án ; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự có thể thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác. Thỏa thuận tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Cơ quan thi hành án dânsự hoặc Tòa án dưới hình thức hợp đồng theo phương thức Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự chuyển giao tất cả các loại văn bản đã thỏa thuận cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt.
7. Hỏi: Thẩm quyền, phạm vi tống đạt của Thừa phát lại?
Đáp: Theo Điều 21 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong hoặc ngoài địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
8. Hỏi: Vi bằng là gì?
Đáp: Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
9. Hỏi: Những trường hợp nào có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng?
Đáp: Theo Điều 25 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Một số trường hợp cụ thể có thể lập vi bằng như:
- Xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình;
- Xác nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà;
- Xác nhận tình trạng nhà khi mua nhà ;
- Xác nhận tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm;
- Xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật;
- Xác nhận tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế;
- Xác nhận hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại;
- Xác nhận việc giao hàng kém chất lượng;
- Xác nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
- Xác nhận việc tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông;
- Xác nhận mức độ ô nhiễm;
- Xác nhận sự chậm trễ trong thi công công trình;
- Xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu;
- Xác nhận các hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tin học, báo chí, phát thanh, truyền hình như: đưa các thông tin không đúng sự thực; đưa thông tin khi chưa được phép người có thẩm quyền; vu khống…
- Xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng; những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp;
- Xác nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra;
- Xác nhận việc từ chối thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện;
- Xác nhận các sự kiện pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
10. Hỏi: Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị pháp lý như thế nào?
Đáp: Theo Điều 28 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án hoặc là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
11. Hỏi: Việc lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi, vậy có quy định về thời hiệu, thời hạn có hiệu lực pháp lý của chính văn bản đó hay không?
Vi bằng do Thừa phát lại lập theo trình tự, thủ tục được quy định bởi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ và được đăng ký tại Sở Tư pháp.
Theo các Nghị định trên thì vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị chứng cứ. Trong việc xét xử, vi bằng của Thừa phát lại là một nguồn chứng cứ để tòa án xem xét, quyết định.
Không có thời hiệu cho vi bằng. Vi bằng được lập và được đăng ký thì có giá trị chứng cứ tại thời điểm được đăng ký và nếu không bị hủy bởi Tòa án thì nó không bị mất giá trị.
12. Hỏi: Thừa phát lại được lập vi bằng, sau đó đăng ký tại Sở Tư pháp, vậy Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng do Thừa phát lại lập không?
Đáp: Theo khoản 5 Điều 26 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng hoặc vi bằng không được gửi đúng thời hạn để đăng ký theo quy định. Việc từ chối của Sở Tư pháp phải thông báo băng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký.
Vi bằng bị từ chối đăng ký tại Sở Tư pháp khôngcó giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; không là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
13. Hỏi: Việc mở các Văn phòng Thừa phát lại vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Giả sử nếu hết thời gian thí điểm, Nhà nước không cho tồn tại các Văn phòng Thừa phát lại nữa, thì những vi bằng từng lập có giá trị gì không? Trường hợp các Văn phòng Thừa phát lại tự giải thể, chấm dứt hoạt động, thì những vi bằng do Văn phòng đã lập có được Tòa án chấp nhận không?
Đáp: Nếu hết thời gian thí điểm Nhà nước không cho phép thực hiện tiếp thì các vi bằng do Thừa phát lại đã lập đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị.
Trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tự giải thể, chấm dứt hoạt động thì các vi bằng được lập theo đúng quy định của pháp luật vẫn có thể được Tòa án xem xét trong quá trình tố tụng.
14. Hỏi: Thừa phát lại có quyềnxác minh điều kiện thi hành án trong phạm vi như thế nào?
Đáp: Theo Điều 30 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó.
15. Hỏi: Người được thi hành án có thể sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án hay không?
Đáp: Theo Điều 32 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì người được thi hành án có quyền dùng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu Cơ quan thi hành án hoặc Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Trong trường hợp có căn cứ xác định kết quả xác minh không khách quan, chính xác thì Cơ quan thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại khác có quyền không sử dụng kết quả đó nhưng phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
16. Hỏi: Các bản án, quyết định nào của Tòa án được yêu cầu Thừa phát lại trực tiếp tổ chức thi hành?
Đáp: Theo Điều 34 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau:
- Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đạt Văn phòng;
- Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt Văn phòng;
- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt Văn phòng.
Ngoài ra, Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc trên ngoài địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
17. Hỏi: Có thể yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại và Cơ quan thi hành án dân sự cùng tổ chức thi hành án hay không ?
Đáp: Theo khoản 2 Điều 36 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì trong trường hợp người được thi hành án được thi hành nhiều khoản khác nhau trong cùng một bản án, quyết định do một người có nghĩa vụ thi hành thì cùng một thời điểm, người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án hoặc một Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành. Nếu các khoản được thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì người được thi hành án có quyền đồng thời yêu cầu Cơ quan thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại thi hành riêng đối với từng khoản.
Nếu trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án mà trong đó có người yêu cầu Cơ quan thi hành án tổ chức thi hành, có người yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì Cơ quan thi hành án và Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với nhau trong thi hành án.
Đối với các vụ việc đã được tổ chức thi hành tại Cơ quan thi hành án nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án không tiếp tục việc thi hành án và yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành hoặc ngược lại thì nội dung yêu cầu phải nêu rõ kết quả thi hành trước đó, những nội dung yêu cầu tổ chức thi hành tiếp và nội dung bảo lưu kết quả thi hành trước đó (nếu có). Văn phòng Thừa phát lại, Cơ quan thi hành án có thể chấp thuận đề nghị bảo lưu kết quả thi hành trước đó của đương sự để làm căn cứ tiếp tục tổ chức thi hành án.
18. Hỏi: Trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án, nếu có tình trạng tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Thừa phát lại có được áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án hay không?
Đáp: Theo Điều 38 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì Thừa phát lại có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Luật Thi hành án dân sự như sau :
- Phong tỏa tài khoản;
- Tạm giữ tài sản, giấy tờ;
- Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
Khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, Thừa phát lại có quyền và nghĩa vụ như Chấp hành viên, thực hiện các thủ tục quy định tại Luật Thi hành án dân sự.
19. Hỏi: Thừa phát lại có được áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án hay không?
Đáp: Thừa phát lại có quyền chủ động ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án (trừ trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng bảo vệ) như sau:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản ; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định.
Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, Thừa phát lại có quyền, nghĩa vụ như Chấp hành viên và thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
20. Hỏi: Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại như thế nào?
Đáp:Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại như sau:
- Chi phí lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc và được ghi nhận trong hợp đồng.
- Chi phí tống đạt do Tòa án, Cơ quan thi hành án thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại theo mức quy định của pháp luật.
- Chi phí trực tiếp tổ chức thi hành án thì Văn phòng Thừa phát lại được thu mức phí thi hành án theo quy định của pháp luật. Đối với những vụ việc phức tạp, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc.
21. Hỏi: Xin cho biết giữa Thừa phát lại và Cơ quan thi hành án có gì giống và khác nhau (về thẩm quyền, chức năng,...)?
Đáp: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác thi hành án dân sự thì sự ra đời của Văn phòng Thừa phát lại đã giúp cho người dân cũng như các tổ chức... được quyền lựa chọn về việc yêu cầu thi hành án tại Cơ quan thi hành án hoặc tại Văn phòng Thừa phát lại.
Do đó, giữa Cơ quan thi hành án và Thừa phát lại có một số đặc điểm giống nhau về thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ như trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự, xác minh điều kiện thi hành án, thực hiện việc tống đạt các văn bản giấy tờ cho đương sự.
Tuy nhiên, giữa Cơ quan thi hành án và Thừa phát lại có một số đặc điểm khác nhau như: Thừa phát lại được lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ; Thừa phát lại không tổ chức thi hành các bản án, quyết định trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án ; Thừa phát lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
22. Hỏi: Pháp luật quy định việc quản lý nhà nước về Thừa phát lại như thế nào?
Đáp: Theo Điều 8 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Thừa phát lại. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về Thừa phát lại.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại quản lý nhà nước về Thừa phát lại tại địa phương. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về Thừa phát lại.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 12