Khí đốt hóa lỏng (Gas) là một trong những nguồn nhiên liệu quan trọng phục vụ sản xuất công nghiệp và đời sống, sinh hoạt của con người và nó là dạng nhiên liệu sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, tiện lợi trong bảo quản và sử dụng. Hiện nay, ở nước ta nhu cầu tiêu thụ gas là rất lớn và ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên gas là chất rất nguy hiểm về cháy nổ. Trong những năm qua do nhiều nguyên nhân khác nhau trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân có nguyên nhân từ gas.
Để góp phần làm giảm số vụ tai nạn và thiệt hại do cháy, nổ gây ra khi sử dụng gas, trên cơ sở nghiên cứu các đặc điểm cháy, nổ của gas, tình hình cháy, nổ của gas trong quá trình sang nạp, bảo quản, xếp dỡ, sử dụng và xác định nguyên nhân cháy, nổ từ đó đề xuất một số biện pháp phòng cháy và chữa cháy gas cho khu dân cư như sau:
1. Biện pháp an toàn trong sử dụng bình và bếp gas khi đun nấu:
- Bình chứa gas phải đặt đứng, vững chắc và thuận tiện khi thao tác.
- Để bình chứa gas cách xa ngọn lửa trần và ổ cắm điện từ 1 - 2m hoặc đặt bình chứa trong hộp có thiết kế riêng.
- Bếp gas để trên mặt bằng chắc chắn, nơi khô ráo, bếp đặt cách bình tối thiểu là 1m. Nếu khoảng cách nhỏ hơn 1m thì phải có tường, vách ngăn ở giữa, nếu đặt ở ngoài trời phải có mái che.
- Khi ngửi thấy mùi gas phải kiểm tra lại van bình, ống dẫn khí để kịp thời phát hiện và xử lý.
- Không được bật các loại công tắc điện, cầu dao để tránh phát sinh tia lửa gây cháy nổ. Mở các cửa để thoát khí, không bật quạt điện mà dùng quạt tay để quạt thông gió.
- Những gia đình có trẻ em, bình chứa gas cần đặt trong hộp bếp thiết kế riêng, nhắc nhở chúng không được nghịch bếp gas. Nên dùng loại bình có van điều áp.
- Trường hợp xảy ra cháy cần bình tĩnh, không hoảng sợ, thông báo cho mọi người di chuyển ra nơi an toàn. Đồng thời, cố gắng dập tắt ngọn lửa nếu có thể bằng chăn (mền), cát, bình chữa cháy bột hoặc bình CO2. Trường hợp cháy lớn phải gọi điện ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 và rời khỏi nơi nguy hiểm.
2. Biện pháp xử lý rò rỉ gas:
- Khi phát hiện gas từ bình thoát ra ngoài trước tiên phải tiến hành tắt nguồn gas, mở các cửa thông thoáng gió. Tuyệt đối không bật, tắt các công tắc điện, thiết bị có thể phát sinh tia lửa.
- Sau khi đã mở các cửa thông gió để khí gas thoát ra ngoài nhà. Dùng khăn nhúng nước xà bông để kiểm tra vỏ bình, van đóng mở và đường ống dẫn gas.
- Nếu rò rỉ trên thân bình có thể dùng xà phòng bánh và dây cao su cuốn chặt nơi xì gas (chú ý: biện pháp này chỉ khắc phục tạm thời nhằm hạn chế một phần hơi gas từ bình thoát ra ngoài chứ không thể khắc phục để đưa các bình rò rỉ gas vào sử dụng).
- Nhanh chóng đưa bình gas ra khu vực trống, thông thoáng và thông báo cho mọi người xung quanh biết để đề phòng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
3. Biện pháp xử lý khi có cháy, nổ xảy ra
- Báo động cháy, thông báo cho tất cả lực lượng PCCC tại chỗ biết và thực hiện các biện pháp chữa cháy theo đúng phương án đã được duyệt.
- Thông báo cháy về cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH gần nhất theo số điện thoại 114, cử người đón lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến.
- Thực hiện các phương pháp chữa cháy ban đầu bằng các trang thiết bị PCCC được trang bị tại chỗ.
- Phun nước làm mát các thiết bị chứa gas ở xung quanh đám cháy. Trường hợp cháy nhỏ có thể dùng chăn (mền) nhúng vào nước phủ trùm lên đám cháy.
- Nếu ngọn lửa tiếp tục cháy lan sang khu vực xung quanh, phải tổ chức di chuyển ra nơi an toàn.
PCCC Q12