Thời gian qua, tình hình cháy, nổ vẫn đang diễn biến phức tạp và ngày càng khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về tính mạng và tài sản. Vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy muốn đạt được kết quả tốt nhất cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, trong đó, mọi hoạt động phòng cháy chữa cháy phải được tiến hành từ quận, phường, khu phố…, đặc biệt là từ các hộ gia đình và từng cá nhân. Thực hiện điều này cũng chính là thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Có thể hiểu phương châm “bốn tại chỗ” nghĩa là cách định hướng, chỉ đạo về một vấn đề, tình huống hay một sự cố cụ thể về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại một đơn vị, địa phương, địa điểm nhất định. “Bốn tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ (Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Đội trưởng Đội dân phòng, người được ủy quyền chịu trách nhiệm trong thời gian những người này vắng mặt), Lực lượng tại chỗ (tất cả người dân sinh sống trên địa bàn khu dân cư, mà nòng cốt là lực lượng dân phòng), Phương tiện tại chỗ (sự chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện phục vụ cho công tác cứu người, cứu tài sản; nguồn nước và các vật liệu chữa cháy gồm: cát, nước, bình chữa cháy, xe chữa cháy…), Vật tư và hậu cần tại chỗ (sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí; các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ).
Thực tế, việc thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn khu dân cư đã đạt được một số thành quả nhất định và khá quan trọng, đó là: xây dựng, củng cố được lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, việc phòng cháy ở nhiều địa phương, đơn vị đã dần đi vào nền nếp, các vụ cháy xảy ra đã được chữa cháy tích cực, kịp thời khi mới phát sinh nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước. Lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở đã thực sự trở thành hạt nhân quan trọng trong công tác phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như: công tác tuyên truyền, phổ biến Luật phòng cháy chữa cháy chưa được đa dạng, chưa thật sự phù hợp với từng đối tượng. Việc xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy ở các cơ sở, khu dân cư chưa được quan tâm, có nơi đã xây dựng phương án nhưng chưa tổ chức thực tập, nên khi xảy ra cháy không có biện pháp chữa cháy kịp thời và bị động. Lực lượng dân phòng được thành lập nhưng chủ yếu tham gia các công tác khác tại địa phương, thực tế làm công tác phòng cháy chữa cháy chưa nhiều. Vai trò của Tổ trưởng Tổ dân phố, Đội trưởng Đội dân phòng trong công tác phòng cháy chữa cháy chưa được phát huy. Mặt khác, hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy còn thiếu.
Vì thế, trong thời gian tới các địa phương cần phải thường xuyên huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức thực tập các phương án chữa cháy cho lực lượng dân phòng tại các khu dân cư, địa bàn quản lý, xây dựng, củng cố lực lượng dân phòng trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư. Tổ trưởng Tổ dân phố, Đội trưởng Đội dân phòng cần chủ động phối hợp với cán bộ kiểm tra địa bàn, Cảnh sát khu vực để tập hợp quần chúng Nhân dân và đưa các kiến thức, hiểu biết về PCCC đến từng hộ gia đình và mỗi người dân. Các khu dân cư, tổ dân phố phải thành lập Đội dân phòng do UBND cấp phường thành lập, quản lý và chỉ đạo. Đồng thời, phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy cho đội dân phòng để khi có cháy, nổ xảy ra thì lực lượng dân phòng sẽ sẵn sàng phương tiện, lực lượng nhanh chóng chữa cháy, hạn chế thấp nhất hậu quả do cháy gây ra. Mỗi hộ gia đình và cá nhân phải chuẩn bị đủ điều kiện, phương tiện để phòng cháy chữa cháy, nhất là các hộ kinh doanh hàng hóa, hộ có phòng cho thuê. Bên cạnh đó, cần phải niêm yết các nội quy và tiêu lệnh chữa cháy để mọi người đều có thể biết cách sử dụng phương tiện và thực hiện thành thục các thao tác khi có sự cố xảy ra.
Bảo Dung