Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
3
8
5
3
2
Tin tức sự kiện 12 Tháng Sáu 2019 2:10:00 CH

Những điểm mới quan trọng của Luật Tố cáo 2018 (Kỳ 1)

Luật Tố cáo 2018 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018, thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011. Luật có 9 Chương và 67 Điều. So với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 được cho là có nhiều điểm mới, đáng chú ý, đó là:

Thứ nhất, bổ sung các quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo (Quy định tại Điều 12).

Luật Tố cáo 2011, không quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp sau: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể. Chính vì vậy, việc xác định thẩm quyền giải quyết các tố cáo này trong thời gian qua có những khó khăn, lúng túng, không cụ thể nên ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo.

Lần này, Luật Tố cáo 2018 đã bổ sung thêm các nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các trường hợp nêu trên để khắc phục những hạn chế của Luật Tố cáo 2011 và đáp ứng yêu cầu giải quyết tố cáo trong thời gian đến.

Thứ hai, bổ sung quy định về xử lý tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 vẫn tiếp tục quy định giữ nguyên 02 hình thức tố cáo như Luật Tố cáo năm 2011, đó là: tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp (Điều 22).

- Về xử lý tố cáo có điểm mới quy định xử lý đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân (Khoản 3, Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018), đó là: Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.

- Ngoài ra, Điều 25 Luật Tố cáo 2018 quy định điểm mới, đó là khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định của Luật này (tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, trường hợp thông tin tố cáo này có các điều kiện sau sẽ được cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý, đó là:

+Thứ nhất, có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật;

+Thứ hai, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật;

+Thứ ba, có cơ sở để thẩm tra, xác minh.

(còn tiếp)


Số lượt người xem: 1104    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày