Chùa Tường Quang toạ lạc trên mảnh đất khá rộng trồng nhiều cây trái, hoa kiểng nằm ven sông Vàm Thuật tại số 581/5C, đường Vườn Lài, khu phố 2, phường An Phú Đông, Quận 12. Chùa được khởi công xây dựng ngày rằm tháng 2 năm Tân Tỵ (tức ngày 12/2/1941), khánh thành ngày 17 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1942). Người đứng ra xây dựng và sau trở thành vị sư trụ trì đầu tiên của chùa là Hoà Thượng Thích Pháp Dõng (thế danh Trần Quang Luật), chùa thuộc hệ phái Thiên Thai Thiền tông giáo, một hệ phái Phật giáo có truyền thống yêu nước. Hiện nay Chùa Tường Quang do Đại đức Thích Phước Thiện quản lý.
Chùa Tường Quang (phường An Phú Đông, Quận 12)
Năm 1945, Nhân dân Việt Nam thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng thực dân Pháp vẫn tham vọng xâm chiếm nước ta nên ngày 23/9/1945 chúng đã nổ súng chiếm Sài Gòn và sau đó lan rộng khắp cả nước. Nhân dân Việt Nam lại tiếp tục đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương và lực lượng Phật giáo cũng tham gia vào cuộc kháng chiến đó. Để hưởng ứng phong trào kháng chiến của toàn dân tộc, tiếp nối truyền thống “nhập thế” của Phật giáo Việt Nam, các tăng ni Phật tử Việt Nam đã thành lập nhiều tổ chức mang tên “Phật giáo cứu quốc” tại nhiều địa phương. Để thống nhất hoạt động, ngày 20/12/1945 dưới chủ trì của Hòa Thượng Thích Minh Nguyệt, các vị chức sắc, tu sĩ Phật giáo… đã tề tựu về Chùa Tường Quang để tham gia hội nghị thành lập Hội phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định. Chùa Tường Quang được chọn là trụ sở của Hội. Trong kháng chiến Chùa Tường Quang còn là cơ sở của Tỉnh ủy Gia Định, của Chi bộ xã An Phú Đông.
Mùa Đông năm 1946, Hoà thượng Thích Pháp Dõng đã tham gia nhiều phong trào vận động lương thực, y dược, vũ khí… để trang bị cho Chi đội 6 Vệ quốc đoàn đang đóng quân ở An Phú Đông. Chùa Tường Quang nơi Hòa Thượng trụ trì cũng là nơi nghỉ chân của các đồng chí hoạt động cách mạng khi đi công tác trong vùng. Trong hai năm 1945 và 1946, Pháp liên tục mở nhiều đợt càn quét dữ dội nhằm vào Chiến khu An Phú Đông. Trước tình hình đó, tỉnh ủy Gia Định quyết định chuyển căn cứ kháng chiến. Hòa Thượng Thích Pháp Dõng được cử nhiệm vụ kinh tài, đi tiền trạm về An Nhơn Tây –Lộc Ninh để tìm địa điểm xây dựng căn cứ mới. Thực hiện yêu cầu kháng chiến lâu dài, năm 1947, Ban chấp hành Phật giáo Nam Bộ giải tán, chỉ giữ lại đại diện Phật giáo các cấp là thành viên của Mặt trận Việt Minh, Hoà Thượng Thích Pháp Dõng là thành viên của Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Gia Định. Ngày 7 tháng 3 năm 1951, Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt hợp nhất thành “Mặt trận liên hiệp quốc dân Việt Nam” (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Hòa Thượng Thích Pháp Dõng được bầu giữ chức Phó Hội trưởng Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định.
Năm 1952, các nhà sư yêu nước thành lập Giáo hội Lục Hoà tăng Việt Nam, Hoà Thượng Thích Pháp Dõng là thành viên của Giáo hội Lục Hoà tăng Việt Nam, giữ chức tăng Giám quận 7 đô thành Sài Gòn (nay thuộc quận 8). Tháng 5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã chôn vùi ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Geneve. Trong những ngày sôi động sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, chi bộ xã An Phú Đông đã tập hợp Nhân dân tại chùa Tường Quang để nghe đồng chí Huỳnh Văn Đặng, Bí thư chi bộ phổ biến nội dung Hiệp định Geneve và tình hình nhiệm vụ mới.
Năm 1969 Giáo hội Lục hoà tăng và Giáo hội Lục hoà Phật tử thành lập Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam để đảm nhận vai trò lãnh đạo Phật giáo trong tình hình mới, Hoà Thượng Thích Pháp Dõng được giao giữ chức Tổng Vụ trưởng Tổng vụ xã hội và tái thiết, kiến thiết của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam. Bên cạnh đó Hoà Thượng còn duy trì tổ chức Thiên Thai Thiền tông giáo thiên hữu hội với trên 400 hội viên để làm nồng cốt đấu tranh Mỹ - Nguỵ.
Trong những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chùa Tường Quang bị hư hỏng nặng. Đến năm 1973 Hòa Thượng Thích Pháp Dõng cùng Nhân dân trong vùng đã khởi công xây dựng lại chùa, đến năm 1974 chùa được khánh thành.
Hàng năm ở Chùa Tường Quang có bốn ngày cúng tế lớn là ngày Tết Nguyên tiêu (15/1 Âm lịch); Lễ Phật đản (15/4 Âm lịch); Lễ Vu Lan (15/7 Âm lịch); rằm Thượng nguyên (15/10 Âm lịch) và Ngày giỗ Hòa thượng Thích Pháp Dõng (5/10 Âm lịch) được tổ chức long trọng. Ngoài ra, chùa còn mở lớp dạy chữ Hán cổ vào các ngày chủ nhật, mở các lớp học hè cho trẻ em trong vùng, hưởng ứng tích cực các hoạt động cứu trợ, mỗi năm hai lần chùa phân phát gạo cho người dân nghèo trong vùng.
Với ý nghĩa là cơ sở cách mạng, là nơi tuyên truyền giác ngộ tăng ni phật tử tham gia kháng chiến, Chùa Tường Quang được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố theo Quyết định số 3217/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2007./.