Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
4
8
5
5
4
Tin tức sự kiện 09 Tháng Ba 2020 8:50:00 SA

Giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận: Chùa Khánh An

Chùa Khánh An (hiện nay là Tu viện Khánh An) toạ lạc trên một khu đất rộng hơn 6.000m2, có tường rào bao quanh, tại 1055/3D, Quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, Quận 12.

Tu viện Khánh An (phường An Phú Đông, Quận 12)

Trước năm 1940 Chùa Khánh An thuộc địa phận thôn An Lộc Đông, tổng Bình Trị Thượng, tỉnh Gia Định. Từ năm 1940, hai thôn An Lộc Đông và Hanh Phú sát nhập thành xã An Phú Đông, tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Nam Kỳ có nhiều tổ chức bí mật chống thực dân Pháp được gọi là “hội kín”, “Thiên địa hội”, … Ở vùng An Lộc Đông có Thượng toạ Thích Trí Hiền (thế danh Lê Văn Phận) cũng tham gia tổ chức này. Ông được ông Biện Lục tặng một thửa đất rộng khoảng 80 sào (gần 4 ha) để xây dựng Chùa Khánh An, nơi tập hợp những người yêu nước chống Pháp. Dân chúng trong vùng thường gọi là Chùa Khánh An là “Chùa Thầy Phận” hay “Chùa Thầy Năm Phận”.

Tháng 7 năm 1939, chín đồng chí đảng viên Cộng sản đã họp tại Chùa Khánh An để bầu ra chi bộ đầu tiên của An Lộc Đông. Bí thư là đồng chí Nguyễn Văn Lành, Phó Bí thư Nguyễn Văn Sai, ba uỷ viên gồm Nguyễn Thị Hồng Tâm (Mười Lụa), Lê Văn Nhỏ (sáu Nhỏ), Trần Văn Khế (Bảy Khế). Năm 1940, hai thôn An Lộc Đông và Hanh Phú sát nhập thành An Phú Đông. Thời gian này Chi bộ đảng An Phú Đông có khoảng hai mươi đảng viên, Thầy Năm Phận cũng được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đảng, từ năm 1939 phong trào cách mạng vùng An Lộc Đông phát triển ngày càng mạnh mẽ với nhiều hình thức: tổ chức mitting đòi giảm sưu thuế, phản đối bắt thanh niên Việt Nam đi lính cho Pháp…

Khi có lệnh thành lập các Ban khởi nghĩa từ tỉnh đến tổng, tỉnh uỷ Gia Định phân công đồng chí Nguyễn Văn Tiến (Mười Tiến – tỉnh uỷ viên) lãnh đạo Ban khởi nghĩa ở Tổng Bình Trị Thượng (gồm 8 xã Thạnh Lộc, Quới Xuân, An Phú Đông, An Nhơn, Thông Tây Hội, Hanh Thông, Bình Hoà, Thạnh Mỹ Tây). Đồng chí Mười Lụa, chi uỷ viên chi bộ An Phú Đông, tham gia ban lãnh đạo của tổ chức khởi nghĩa tổng Bình Trị Thượng. Từ tháng 10 năm 1940, đồng chí Mười Tiến tổ chức nhiều cuộc mitting ở đồng Giáp Trai, Chùa Khánh An… để vạch rõ tội ác của thực dân Pháp, quan lại phong kiến, khơi dậy lòng căm thù giặc, chuẩn bị cho ngày nổi dậy.

Vì cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra chưa đúng thời cơ, kế hoạch bị bại lộ, thực dân Pháp đã biết trước kế hoạch và tăng cường canh phòng cẩn mật, các đồng chí cấp cao bị bắt…nên cuộc khởi nghĩa thất bại. Một số đồng chí của Chi bộ An Phú Đông phụ trách tấn công bót Ngã năm Vinh Lộc bị bắt, trong đó có Thầy Năm Phận và đồng chí Mười Lụa. Đồng chí Mười Lụa bị địch đày ra Côn Đảo. Thầy Năm Phận bị giam cầm khoảng một năm. Mặc dù đã sử dụng những hình thức tra tấn rất dã man nhưng thực dân Pháp vẫn không thể khai thác được thông tin gì nên chúng trả tự do cho Thầy. Do bị thương tích nặng vì tra tấn, năm 1942 Thầy Năm Phận đã qua đời. Sau khi Thầy trụ trì tạ thế, Chùa Khánh An vẫn tiếp tục trở thành cơ sở bí mật của phong trào cách mạng. Tháng 3 năm 1945, đồng chí Mười Lụa vượt ngục trở về An Phú Đông và trú ẩn ở Chùa Khánh An. Từ đây, ông đã bắt liên lạc với đồng chí Phạm Văn Khái (Bảy Khái, Bí thư Chi bộ xã Quới Xuân) để củng cố lại Chi bộ An Phú Đông. Chi bộ An Phú Đông ra sức xây dựng và củng cố tổ chức, tích cực xây dựng cơ sở trong quần chúng Nhân dân chuẩn bị tham gia cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, ngày 23 tháng 9 năm 1945 Nhân dân Nam bộ mở đầu cho Nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Sau gần hai tháng chiến đấu trong nội thành, đến tháng 11 năm 1945 khi quân Pháp chiếm thị trấn Gò Vấp, các cơ quan, lực lượng quân sự tỉnh Gia Định đóng tại Gò Vấp nhanh chóng rút về An Phú Đông và nhiều cơ quan quan trọng ở nội thành cũng rút về đây. Ngày 15/12/1945, Tỉnh uỷ Gia Định ra Nghị quyết xây dựng các đơn vị bộ đội tập trung Gò Vấp, Thủ Đức, Dĩ An. Các lực lượng chiến đấu được phân làm ba lực lượng: Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu, Dân quân tự vệ. Tính đến đầu năm 1946, trên địa bàn tỉnh Gia Định đã xây dựng được hai chi đội Vệ quốc đoàn là Chi đội 6 và Chi đội 12. Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1947, Chùa Khánh An trở thành trường đào tạo cán bộ chỉ huy của Chi đội 6. Trong suốt giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, Chùa Khánh An là nơi Tiểu đội 17 Vệ quốc đoàn An Phú Đông sản xuất vũ khí thô sơ như súng mút, mìn ve chai, lựu đạn… để phục vụ kháng chiến. Ngày 25/12/1945, uỷ ban kháng chiến tỉnh Gia Định quyết định xây dựng căn cứ An Phú Đông trên địa bàn hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc. Chùa Khánh An nằm trong căn cứ An Phú Đông và là cơ sở của lực lượng kháng chiến.

Trong chiến tranh Chùa Khánh An bị hư hại nhiều, được sửa chữa năm 1980 trên cơ sở đóng góp gạch, cát, đá, ngói của người dân. Năm 2001, chùa được trùng tu lớn và xây dựng lại mộ pháp Thầy Năm Phận. Đến nay Chùa Khánh An đã được xây mới hoàn toàn trong khuôn viên và đổi tên là Tu viện Khánh An (theo Quyết định số 508/QĐ.THPG ngày 24/12/2010 của Ban trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh) do Thượng tọa Thích Trí Chơn trực tiếp quản lý. Tu viện Khánh An hiện đang là điểm thu hút nhiều du khách và giới trẻ đến chiêm bái và tham quan hằng năm và là nơi thường xuyên diễn ra các khóa tu, thiền nhằm đưa tinh thần Phật học vào đời sống.

Với ý nghĩa là cơ sở cách mạng, nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chùa Khánh An đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố theo Quyết định số 3269/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2007./.


Số lượt người xem: 2866    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày