Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
5
0
7
2
5
Tin tức sự kiện 16 Tháng Ba 2020 9:00:00 SA

Giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận: Miếu Cây Quéo

Miếu Cây Quéo tọa lạc trong con hẻm tại tổ 33, Khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12. Miếu Cây Quéo là di tích có giá trị lịch sử - văn hóa cấp Thành phố.

Cách đây hơn 100 năm tại làng Tân Đông Trung, quận Hóc Môn (nay thuộc địa bàn tổ 33, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12) có hai ngôi miếu nằm cạnh nhau, một thờ bà Huỳnh Thị Nương, một thờ Ngũ Hành. Hai ngôi miếu nằm dưới tán Cây Quéo lớn thuộc ấp Cây Quéo nên người dân nơi đây gọi chung cho cả hai ngôi miếu là Miếu Cây Quéo. Địa danh Miếu Cây Quéo lâu ngày thành quen và tồn tại cho đến ngày nay.

Miếu Cây Quéo (phường Trung Mỹ Tây, Quận 12)

Trong quá trình tồn tại cơ sở tín ngưỡng Miếu Cây Quéo gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử và đấu tranh cách mạng do Đảng ta lãnh đạo (1930 – 1959) và từ sau 30/4/1975 đến nay. Đêm ngày 09/9/1930, dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự quận Gò Vấp, gần 1.000 người dân các làng Tân Đông Trung, Tân Hưng, Tân Đông Thuận, Trung Chánh, Thuận Kiều thuộc 18 Thôn Vườn Trầu đã tập trung về Miếu Cây Quéo để tham dự cuộc mitting do Ban cán sự Quận Gò vấp tổ chức. Từ cuộc mitting này, Ban cán sự Đảng quận Gò Vấp đã kêu gọi quần chúng hưởng ứng đấu tranh để đòi giảm thuế thân từ bốn đồng xuống còn hai đồng trong năm, đòi quyền tự quyết cho dân tộc và không để con em đi lính cho Pháp.

Ngày 10 tháng 10 năm 1930, chào mừng chi bộ Đảng làng Tân Đông Trung thành lập, chi bộ Đảng đã chỉ đạo cho ông Nguyễn Văn Thời (Ba Thời) treo cờ đỏ búa liềm lên ngọn Cây Quéo tại Miếu Cây Quéo. Đây là lần đầu tiên người dân làng Tân Đông Trung phấn khởi vui mừng nhìn thấy hình ảnh cờ búa liềm tung bay trên địa phương mình. Và cũng tại miếu, vào tháng 12 năm 1930, chi bộ Đông Hưng Thuận đã tổ chức kết nạp 08 đảng viên mới.

Trong Nam Kỳ khởi nghĩa, đêm 23 tháng 11 năm 1940, chi bộ Đảng làng Tân Đông Trung đã vận động dân làng và quần chúng yêu nước rải truyền đơn, đốn ngã cột điện, đốn cây lớn làm vật cản trên Quốc lộ 1 (từ Cầu Tham Lương lên Trung Chánh), đường 15 (đoạn từ Chợ Cầu lên Trung Chánh) và treo cờ đỏ búa liềm ở một số nơi trong đó có Miếu Cây Quéo. Đây cũng là nơi đồng chí Võ Thành Luân tổ chức luyện tập cho “cảm tử quân”.

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Miếu Cây Quéo là nơi tập hợp đội ngũ, luyện võ nghệ của Thanh niên Cứu Quốc, tự vệ làng Đông Hưng Thuận. Vào giữa năm 1944, Hội truyền bá quốc ngữ ở Sài Gòn thành lập, một vài tháng sau Hội truyền bá quốc ngữ vùng Quán Tre được thành lập với 45 giáo viên. Miếu là địa điểm của hội mở các lớp học ngày và đêm, lớp ngày dành cho các cháu nhỏ, lớp tối cho thanh niên và người lớn tuổi. Lớp học duy trì được từ cuối năm 1944 đến cuối năm 1953. Ngoài dạy văn hóa, nơi dây còn là địa điểm để tuyên truyền, giác ngộ vận động quần chúng đi theo cách mạng.

Ngày 15 tháng 12 năm 1944, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Quận uỷ quận Gò Vấp, quần chúng và lực lượng nòng cốt cách mạng khoảng 150 người tập trung tại Miếu Cây Quéo, trong đó có cả ông Huỳnh Tấn Phát. Từ Miếu Cây Quéo đoàn người kéo qua đình Nam Lân (Bà Điểm) kết hợp với khoảng 200 người cùng tham gia mitting. Tại buổi mitting, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát diễn thuyết hơn một giờ, kêu gọi quần chúng chuẩn bị nổi dậy đánh Pháp đuổi Nhật, ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Để biểu dương sức mạnh lực lượng cách mạng chuẩn bị cho cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chi bộ Đảng làng Đông Hưng Thuận cử đồng chí Đặng Văn Chừng (Trưởng Công an xã) treo lá cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm lên ngọn cây Quéo.

Trong những ngày đầu kháng chiến, để ngăn chặn quân Pháp đánh ra vùng ven các tỉnh, từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1945 ta đã thành lập một số mặt trận ở ngoại thành trong đó có mặt trận Cầu Tham Lương. Và Miếu Cây Quéo lúc đó được sử dụng như hậu cứ của mặt trận này. Đây là địa điểm tập trung xuất phát của lực lượng vũ trang xã Đông Hưng Thuận, nơi tập kết lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội, nơi cứu chữa cho thương binh từ mặt trận trở về. Cạnh gốc cây Quéo còn có lùm cây si với bộ rễ rậm rạp được thiết kế là một hầm bí mật để cất giấu vũ khí (gồm quân trang, nguyên vật liệu làm chất nổ…) trước khi giao cho Chi đội 12.

Địa điểm Miếu Cây Quéo có những giá trị tiêu biểu như là cơ sở tín ngưỡng dân gian của quần chúng Nhân dân khu vực; nơi thờ cúng các chiến sĩ trận vong trong kháng chiến chống thực dân Pháp tại đồn Thuận Kiều; là địa điểm gắn liền với nhiều sự kiện cách mạng của quần chúng Nhân dân 18 Thôn Vườn Trầu, Nhân dân vùng Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 – 1975. Sự kiện lá cờ búa liềm tung bay trên ngọn Miếu Cây Quéo tháng 10/1930, tháng 11/1940; lá cờ đỏ sao vàng trong Cách mạng Tháng Tám 1945 là sự kiện lịch sử gắn liền địa điểm Miếu Cây Quéo sẽ được lưu truyền mãi mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, Miếu Cây Quéo còn là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ, là địa điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh của quần chúng Nhân dân khu vực.

Trên cơ sở đánh giá tầm quan trọng những sự kiện cách mạng từng diễn ra tại Miếu Cây Quéo, đánh giá ý nghĩa của Miếu trong đời sống tín ngưỡng dân gian của cư dân địa phương. Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 5514/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2006 của UBND Thành phố về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh Thành phố./.


Số lượt người xem: 9735    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày