|
Hãy tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được vui chơi và phát triển lành mạnh |
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ hành hạ, ngược đãi trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ngay trong gia đình của trẻ, gây bức xúc dư luận. Các đối tượng bạo hành sống cùng nhà, cùng khu dân cư, là người thân, họ hàng, người quen của trẻ.
Theo báo cáo của 64 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình thì số vụ bạo lực với trẻ em trong gia đình chỉ sau bạo hành đối với phụ nữ. Số vụ bạo hành trẻ em cũng như mức độ bạo hành không giảm hoặc giảm chậm. Còn nhiều gia đình vẫn coi đánh đập, hành hạ con cái là công việc nội bộ, con cái là của riêng cha mẹ, do đó cha mẹ muốn làm gì thì làm. Không ít gia đình biết quyền được bảo vệ bởi pháp luật của trẻ em nhưng vẫn hành hạ trẻ. Một vấn đề nhức nhối khác là số vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng.
Hầu hết các vụ xâm hại trẻ em bắt nguồn từ rượu chè, cờ bạc, mâu thuẫn vợ chồng, đối kháng gia đình, một số vụ do xem phim khiêu dâm, đồi trụy, bạo lực. Nhiều vụ việc không liên quan gì đến các nạn nhân trẻ em. Nhưng trẻ em non nớt, vô tội, lại trở thành đối tượng để cha, mẹ, người thân trút giận. Về phần gia đình, cha mẹ thiếu hụt kiến thức về sự phát triển thể chất, tâm - sinh lý lứa tuổi, không biết cách trò chuyện, hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ. Bản thân trẻ chưa có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ, cho nên dễ có nguy cơ bị xâm hại.
Bạo hành trẻ em không chỉ gây thương tích về mặt thể xác mà còn gây cho các em nhỏ sự sang chấn rất nặng về tinh thần. Đây là tổn thương tuy không giám định, đo đếm được song lại ảnh hưởng rất nặng nề. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, bởi vậy mà việc tìm ra các biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa và bảo vệ để các em thoát khỏi nạn bạo hành là rất quan trọng.
Như thường thấy, khi việc đã xảy ra thì các cơ quan chức năng sẽ giải quyết bằng cách khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam khẩn cấp những người vi phạm. Cần phải nhận thức rằng trừng trị không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đề xuất khi sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cần bổ sung thêm những quy định về bảo vệ trẻ em, nhằm tăng khả năng phòng, ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em; quy định rõ các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp bị xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; bổ sung quy định cụ thể về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các cơ sở trợ giúp trẻ em...
Thiết nghĩ, để bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn trong thời gian tới, cần hướng tới những giải pháp chủ yếu như thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội để giảm bớt gánh nặng mưu sinh, từ đó các gia đình sẽ có cơ hội chăm sóc con cái nhiều hơn, giảm nguy cơ trẻ em bị bỏ mặc. Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của nhà trường, cộng đồng và chính bản thân trẻ em trong việc phòng ngừa những hành vi xâm hại. Đồng thời cần quan tâm và củng cố hệ thống cán bộ, hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu, bám sát trẻ có nguy cơ cao, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt...
Bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bạo hành, lạm dụng là vấn đề không của riêng ai mà là trách nhiệm chung của cộng đồng, của toàn xã hội. Mỗi năm, chúng ta đều tổ chức chương trình Tháng hành động vì trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề là “Hành động vì một xã hội không bạo lực và không xâm hại trẻ em” là dịp phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, bóc lột để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện.
MK(BT)