Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
5
7
9
0
2
5
Tin tức sự kiện 17 Tháng Bảy 2014 2:15:00 CH

Từ khát vọng tìm đường cứu nước năm xưa đến tính thần giữ nước hôm nay

 
     Ngày 5/6/1911, thanh niên Nguyễn Tất Thành từ bến cảng Sài Gòn đã mang khát vọng lớn ra đi khi tuổi trẻ căng tràn nhiệt huyết. Ngay từ đầu, Người đã xác định “muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Trong suốt cuộc hành trình, Người đã đặt chân đến bốn bể năm châu, đến “những đất tự do, những trời nô lệ” để tìm ra chân lý giải phóng dân tộc mình. Và, đúng như những gì Người hằng tâm niệm, 30 năm sau, Người đã trở về làm rạng rỡ non sông Việt Nam.
 
     Đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ mốc son lịch sử khởi nguồn cho cuộc trường chinh vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm nay, tinh thần yêu nước, giữ nước lại sục sôi trong lòng mỗi người dân Việt Nam khi chủ quyền của đất nước bị xâm lấn, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của nước ta.
 
     Nghĩ về lịch sử mấy ngàn năm, đất nước ta đã bao lần đối mặt với họa xâm lăng, nhưng cha ông ta không bao giờ lùi bước, dù kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần, nghĩ về những năm tháng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua để cùng dân tộc đứng lên, đưa đất nước sang một trang sử mới, cùng bao máu xương đã đổ cho công cuộc giữ vững quyền tự chủ của đất nước trong thế kỷ 20, mỗi người dân Việt Nam hôm nay đều thấm nhuần ý nghĩa thiêng liêng của độc lập, tự do, của chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Khi việc bảo vệ non sông, bờ cõi là việc làm thiêng liêng, là mệnh lệnh trong lòng mỗi người, chúng ta thêm một lần nữa chứng kiến sự dũng cảm, kiên cường của các lực lượng đang làm nhiệm vụ gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo và lớp lớp người dân Việt Nam khi chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị nước khác đe dọa. Ngư dân ta, dù những ngày biển Đông dậy sóng, vẫn giong thuyền ra khơi dẫu có phải gánh chịu tổn thất từ sự khiêu khích và đe dọa từ phía các tàu thuyền Trung Quốc. Hành động của những ngư dân can trường ấy đã cho chúng ta hiểu rằng, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là điều tự nhiên, nằm sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt. Ngư dân đi biển không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn để giữ ngư trường truyền thống, cũng chính là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền của đất nước trên biển Đông. Cũng với tinh thần ấy, các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển của ta, dù đối diện với những động thái thô bạo của đối phương, vẫn kiên trì bám trụ để đấu tranh bằng những cơ sở pháp lý đã được thế giới công nhận và ủng hộ, để chỉ ra cái sai của đối phương và bảo vệ chính nghĩa của quốc gia mình. Đồng hành với họ còn là hậu phương vững chắc nơi đất liền, là cộng đồng đông đảo người Việt ở trong nước và cả ở nước ngoài đang từng ngày dõi theo và đóng góp tinh thần, vật chất cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
 
     Một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn đấu tranh vì chính nghĩa, nhưng chúng ta sẵn sằng “thà hy sinh tất cả…” để đáp lại lời hiệu triệu của non sông. Cũng một truyền thống anh hùng ấy, bao thanh niên Việt Nam hôm nay đã tự nguyện lên đường, ra bảo vệ nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Đó chính là những minh chứng sống động, những cột mốc không thể nhấn chìm của dân tộc Việt Nam trên biển Đông.
 
     Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Tinh thần đó chính là ngọn lửa truyền đời, thôi thúc các thế hệ tiếp sau sẵn sàng dấn thân khi Tổ quốc lâm nguy. Cũng chính vì những lẽ đó mà các tầng lớp nhân dân Việt Nam hôm nay, đang nhìn về một hướng, ngày ngày góp những phần việc ý nghĩa để cùng cả nước kết thành khối sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
 
     Bác của chúng ta đã đi xa, bước chân của Người đã trở thành những dấu chân phía trước, dẫn lối, đưa đường cho các thế hệ hôm nay và mai sau trên con đường bảo vệ bờ cõi, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, thành quả mà cha ông ngàn đời đã dựng xây và ra sức gìn giữ bằng xương, bằng máu. Nhớ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta càng tự hào hơn về tinh thần sẵn sàng vì Tổ quốc của muôn triệu người Việt Nam. Chúng ta tin rằng với sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh thổ thân yêu nhất định phải được bền vững, vẹn toàn.
 
THU HÀ (Nguồn: Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch)(BT)
 

 


Số lượt người xem: 3083    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày