|
Ống Phước (ngồi) cùng cùng con cháu trong ngày họp mặt |
Ông Thạch Phước (KP2 phường Tân Thới Hiệp) là người dân tộc Khơ me, sinh sống và làm ăn tại Quận 12 từ năm 1963. Khi còn là một chàng thanh niên trẻ tuổi, rời quê hương Trà Vinh lên Sài Gòn làm việc, vùng đất mới đã níu chân người thanh niên cần mẫn, chịu thương chịu khó này. Ông quyết định chọn đây là quê hương thứ hai của mình, lập gia đình và xây dựng cơ nghiệp từ nghề lái xe. Qua một thời gian dài chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ông dần ổn định, nhận thấy địa phương trên đà phát triển mạnh mẽ, ông đầu tư vào mô hình “siêu thị tiện lợi” đặt tên là cửa hàng An Khang ngay tại nhà. Lúc mới khánh thành, cửa hàng có quy mô còn nhỏ hẹp, số lượng hàng hóa cũng không nhiều, con đường trước mặt cửa hàng chỉ là con đường đất đá, mùa mưa sình lầy, mùa nắng bụi mù, và nhất là lúc này người dân xung quanh còn khá xa lạ với mô hình này. Không đầu hàng trước khó khăn, ông tìm ra nhiều giải pháp khác nhau để “kéo” khách đến cửa hàng như “bán lẻ bằng giá sỉ”, giao hàng tận nơi và nhất là thái độ phục vụ của nhân viên phải rất tận tình và chu đáo để người mua đã đến một lần thì nhất định sẽ quay trở lại. Dần dần, quá trình đô thị hóa đã khoát lên mình Quận 12 chiếc áo mới, con đường đất trước mặt cửa hàng giờ đã được xã hội hóa làm nhựa khang trang, giao thông thuận lợi hơn. Công việc làm ăn không phải vì thế mà hết khó khăn khi mô hình cửa hàng tiện lợi này gặp nhiều cạnh tranh từ các loại hình khác. Một lần nữa, ông cùng con trai út - người trực tiếp quản lý cửa hàng lại cố gắng tìm tòi, đổi mới trong kinh doanh để không ngừng phát triển. Nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng thân thiết được áp dụng, hàng hóa phải luôn đảm bảo đúng chất lượng và đủ số lượng từ những nhà cung cấp uy tín, và nét đặc trưng nhất của của hàng luôn được phát huy chính là thái độ đón tiếp khách hàng ân cần, niềm nở. Chính vì vậy mà cửa hàng của ông vẫn giữ được lượng khách ổn định và quy mô không ngừng phát triển. Thấy ông làm ăn hiệu quả và ổn định tại vùng đất mới, 2 người em của ông và nhiều người quen khác cũng theo chân ông lên thành phố làm ăn sinh sống.
Khi chuyện kinh tế đã ổn định, ông tích cực tham gia nhiều công tác tại địa phương như tham gia Ban điều hành khu phố, công tác mặt trận phường… và công tác gắn bó với ông trên 10 năm nay chính là công tác chăm lo cho người cao tuổi. Là Chi hội trưởng Chi hội NCT khu phố 2, ông thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng chi hội vững mạnh bằng cách lắng nghe ý kiến hội viên, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để động viên hội viên làm những việc thiết thực như xây dựng quỹ hội, hiến kế hiến công, khuyến học khuyến tài. Ông luôn suy nghĩ tìm cách làm mới để hoạt động của tổ chức hội đạt hiệu quả và đi vào nền nếp như phát động phong trào NCT tích cực học tập, rèn luyện, bảo vệ sức khỏe, giữ gìn phẩm chất đạo đức, mẫu mực để con cháu noi theo. Trong gia đình, ông cũng luôn là người cha, người ông gương mẫu để con cháu noi theo. Ông thường xuyên giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống của dân tộc, của gia đình, sống giản dị, đoàn kết, cần kiệm; cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia đóng góp các loại quỹ từ thiện xã hội, quỹ "Vì người nghèo", quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Từ những việc làm nêu gương và sự dạy bảo của ông, con cháu trong gia đình đều là công dân gương mẫu. Ông cũng vận động các thành viên trong gia đình và hội viên NCT tham gia tích cực các phong trào cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chính vì vậy mà nhiều năm liền, gia đình ông Thạch Phước đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu, bản thân ông đã được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT Việt Nam. Nhưng niềm vui lớn hơn cả đối với ông chính là nhận được sự kính trọng, quý mến của nhân dân trong tổ, khu phố và phường. Điều đó thôi thúc ông tiếp tục cống hiến để các phong trào hoạt động hội NCT tại địa phương ngày càng phát triển mặc dù hiện nay ông đã hơn 72 tuổi, sức khỏe cũng gặp nhiều hạn chế. Có thể nói, đối với ông Thạch Phước, không phân biệt quê quán, dân tộc, chỉ cần ông cống hiến hết sức mình cho sự phát triển chung của vùng đất mới, thì nơi đây cũng chính là quê hương, là đồng bào, là dân tộc, là nơi có những con người thân yêu nhất của ông.
MINH DŨNG