Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
5
6
6
8
0
3
Tin tức sự kiện 10 Tháng Mười 2014 1:40:00 CH

Người phụ nữ Chăm nhận được nhiều niềm vui từ các công tác xã hội

Đến khu phố 1, phường Hiệp Thành, hỏi nhà chị Thành Thị Thanh Truyền ai cũng biết dù căn nhà nhỏ của chị nằm ẩn khuất khá sâu trong nhiều ngõ hẽm. Sở dĩ chị Truyền “nổi tiếng” như vậy vì chị là một người phụ nữ rất tích cực tham gia các công tác xã hội tại tổ dân phố, khu phố và phường. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, chị thường xuyên đi cơ sở từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, khi thì lấy số liệu với vai trò một cộng tác viên dân số, khi thì đi tuyên truyền, vận động các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho các hội viên phụ nữ với cương vị tổ trưởng tổ phụ nữ; khi thì đi vận động, quyên góp, giúp đỡ, ủng hộ cho các trường hợp khó khăn hơn gia đình mình với vai trò là Ủy viên UB.MTTQ phường, khi thì tham gia hội họp, hội thi do phường, quận tổ chức. Với vai trò nào chị cũng đảm nhận tốt, góp công góp sức và rất nhiệt tình với phong trào chung.

Chị Truyền (đứng đầu) trong một tiết mục múa Chăm do chị dàn dựng và biểu diễn

Thăm nhà chị vào một chiều mưa, vào nhà đã thấy để sẳn ba cái thau nhựa đủ cỡ lớn nhỏ, thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, chị cười xòa, cứ ngồi chơi đi rồi sẽ hiểu. Quả nhiên một lúc sau, khi cơn mưa nặng hạt dần cũng là lúc tiếng nước mưa dột từ mái nhà rơi vào thau, “tí tách như những nốt nhạc” - theo như lời giới thiệu của chị Truyền. Chúng tôi có dịp hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình chị. Là người dân tộc Chăm, sinh ra và lớn lên ở Ninh Thuận, chị Truyền vốn là một cô giáo mầm non có bằng cấp hẳn hoi, nhưng duyên số đã gắn kết chị với người bạn đời tại vùng đất mới và vợ chồng chị quyết định chọn Quận 12 làm quê hương thứ hai của mình. Chồng chị bị thoái hóa cột sống, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nên anh ở nhà phụ chị chăm sóc con cái, quán xuyến gia đình và đảm nhận vai trò “hậu phương” thay chị. Chị là trụ cột kinh tế của gia đình, mọi thu nhập trông chờ vào 3 chiếc máy may gia công để gọn trong nhà, mà chị cho biết là khi nào làm xong việc xã hội mới ngồi vào máy. Hai con của chị lại trong tuổi ăn học nên cuộc sống của gia đình khá khó khăn, gia đình chị thuộc dạng hộ nghèo. Nhưng suốt buổi, chúng tôi chỉ nghe chị kể những chuyện vui, thú vị từ những công tác xã hội của chị. Có năng khiếu văn nghệ, có tài may vá, cộng thêm sự nhiệt tình và vui vẻ, chị Truyền trở thành “cây phong trào” trong các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương, từ tập múa hát cho các em thiếu nhi đến dàn dựng chương trình cho các đợt biểu diễn giao lưu, thi thố văn nghệ của Hội phụ nữ… Điều đáng trân trọng hơn là chị Truyền luôn mang những nét đặc sắc nhất của văn hóa dân tộc Chăm vào các tiết mục của mình, từ khâu thiết kế, may trang phục biểu diễn cho đến sáng tác, cải biên những điệu múa, câu hò. Chính vì vậy mà các tiết mục biểu diễn có sự tham gia của chị luôn mang một màu sắc mới lạ, độc đáo, tạo nên một nét văn hóa rất riêng và sự phong phú, nhiều màu sắc cho các chương trình văn nghệ. Và qua những lời ca, điệu múa này, chị Truyền như được sống trọn vẹn trong truyền thống, trong nguồn cội văn hóa của dân tộc mình. Và chị nhận ra rằng, mình đang nhận được nhiều hơn là cho đi.

Tôi hỏi khó chị, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn như vậy, sao chị không dành nhiều thời gian để tăng thêm thu nhập cho gia đình mà lại “ưu tiên” cho các hoạt động xã hội? Chị trả lời hồn nhiên như chính con người chị, “thiếu ăn thiếu mặc thì được chứ thiếu niềm vui từ các công tác xã hội thì mình không chịu nổi đâu!”… Nói thì nói vậy thôi, chứ với một người phụ nữ chịu thương chịu khó như chị, niềm vui từ các công tác xã hội chính là liều thuốc tinh thần quý giá nhất giúp chị luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Từ trong cuộc sống gia đình cho đến công tác xã hội, chị luôn phát huy bản chất của một phụ nữ Chăm thật thà, siêng năng, công việc chung luôn được đặt lên hàng đầu và hoàn thành thật tốt mới thôi. Điều này tỉ lệ thuận với sự yêu mến, tôn trọng mà mọi người xung quanh dành tặng cho chị. Và cho đến bây giờ, gia đình chị vẫn luôn trong ấm ngoài êm, vợ chồng con cái luôn thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cho nên dù có nghèo nhưng gia đình chị chưa bao giờ thiếu đi tiếng cười. Chúng tôi xin chúc cho chị Truyền cũng như gia đình chị có nhiều sức khỏe để mỗi ngày chị lại tìm được nhiều niềm vui mới từ việc đem niềm vui đến cho mọi người.                                                    

                                                                               HỒNG LIÊN(BT)

 


Số lượt người xem: 3042    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày