Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
5
6
1
0
8
9
Tin tức sự kiện 26 Tháng Mười Một 2014 2:05:00 CH

Hào khí Nam kỳ khởi nghĩa tại Bà Điểm - Tân Thới Nhất

 

Tượng đài về tinh thần kháng chiến của người dân Nam Kỳ tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (Hóc Môn)

Quê hương "18 thôn vườn trầu" từ lâu đã được cả nước biết đến và là niềm tự hào của người dân Hóc Môn - Bà Điểm và Quận 12 - Tân Thới Nhất vì đã có phần đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Năm 1859, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định, nhân dân Bà Điểm - Tân Thới Nhất đã đứng lên chiến đấu kiên cường dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Trương Định, Trương Quyền, đặc biệt, dấu ấn đậm nét nhất là cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu năm 1885. Lực lượng nghĩa quân với tầm vông vạt nhọn, gậy gộc đã tấn công thẳng vào dinh quận Hóc Môn, giết chết đốc phủ Trần Tử Ca - một tay sai đắc lực của thực dân.

Mẹ VNAH, các đồng chí lãnh đạo và nhân dân trên địa bàn quận dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nhà truyền thống Tân Thới Nhất

Từ khi có Đảng, giai đoạn 1936 - 1939 xã Bà Điểm đã được Ban Chấp hành Trung ương chọn làm địa điểm tổ chức 5 cuộc hội nghị, trong đó quan trọng nhất là Hội nghị lần thứ 6 vào tháng 11/1939. Đến tháng 7/1940, trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước do tác động của chiến tranh thế giới lần thứ hai, những ý tưởng về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã được hình thành và bước vào giai đoạn khẩn trương chuẩn bị mọi mặt. Liên tiếp trong 3 ngày cuối tháng 9/1940, cuộc họp Xứ ủy Nam kỳ mở rộng tại làng Xuân Thới Đông (nay là xã Xuân Thới Đông, Hóc Môn) đã xác định cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940 và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi được chọn làm trọng điểm, là nơi phát lệnh khởi nghĩa chung cho toàn Nam kỳ. Đến 0 giờ đêm 22 rạng sáng 23/11/1940 vẫn chưa nghe pháo lệnh từ Sài Gòn, Ủy ban khởi nghĩa của quận Hóc Môn đã phát hiệu lệnh tấn công khởi nghĩa để đáp ứng khí thế sôi sục nhất tề đứng lên giành chính quyền của người dân địa phương. Cùng đêm ấy, 18 tỉnh, thành của toàn Nam kỳ đã nổi lên khởi nghĩa. Tuy vậy, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã không thành công như mong muốn. Và những ngày sau đó, thực dân Pháp đã mở nhiều cuộc càn quét, khủng bố và tàn sát đồng bào ta rất dã man. Tại Hóc Môn, thực dân Pháp lập ra cùng lúc 3 trường bắn để xử bắn các đồng chí lãnh đạo trung kiên của Đảng ta như: Nguyễn Văn Cừ (Tổng bí thư Trung ương Đảng), Hà Huy Tập (Tổng bí thư Trung ương Đảng), Võ Văn Tần (Bí thư Xứ ủy Nam kỳ), Nguyễn Thị Minh Khai (Bí thư Thành ủy Sài Gòn)...

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tuy chưa thành công như mong muốn nhưng đã để lại ý nghĩa vô cùng to lớn, làm tiền đề quan trọng, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân ta trong cả nước.

Phát huy truyền thống hào hùng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang và nhân dân Quận 12 không ngừng phát huy sức mạnh đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân, quyết tâm khắc phục khó khăn, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng do quận, phường phát động, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của quận đề ra trong năm 2014.                                                       

                                                            BBT(BT)

 


Số lượt người xem: 3269    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày