Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
0
8
9
4
2
1
Tin tức sự kiện 31 Tháng Mười Hai 2014 3:35:00 CH

Đề cương tuyên truyền: Về triển khai các biện pháp tổng hợp đối với người nghiện ma túy và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn Quận 12

 

Trong những năm qua, nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, cai nghiện và hỗ trợ phục hồi sau cai nghiện ma túy, thể hiện qua các văn bản  như  Hiến pháp, Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính... và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó:

- Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội ban hành ngày 19/12/2000 và sửa đổi bổ sung năm 2008 quy định về công tác phòng, chống ma túy. Điều 6 Luật Phòng, chống ma túy  quy định trách nhiệm của cá nhân và gia đình “ giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý; thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh; đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý của thân nhân và của người khác; tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện”. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma tuý cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền (Điều 7). Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý; phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý; phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý (Điều 10).

- Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội ban hành ngày 19/12/2000 và sửa đổi bổ sung năm 2008 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về cai nghiện ma túy. Điều 25 Luật Phòng, chống ma túy nêu rõ: “áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện; tổ chức các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy”. Người nghiện ma túy có thể đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay tại các cơ sở cai nghiện (Điều 27).

- Bên cạnh việc khuyến khích người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện, Luật Phòng chống ma túy đã quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện đối với người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện. Việc cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) với người mới nghiện nhưng không tự nguyện cai nghiện (Điều 27).

- Biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện được áp dụng đối với "Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc người nghiện không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… Thời hạn cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm" (Điều 28). Đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ và điều này không coi là việc xử lý vi phạm hành chính (Điều 29).

- Về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan: UBND phường, Công an, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Tòa án nhân dân quận…

Thời gian qua, tình hình mua bán và sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn quận diễn biến phức tạp, số người sử dụng heroin và các chất ma tuý tổng hợp tăng nhanh. Hiện nay, số người sau cai nghiện quận đang quản lý thực tế có 147 người (tỷ lệ tái nghiện là 30%); toàn quận có 208 người nghiện đang được quản lý có hồ sơ; số người sử dụng trái phép chất ma tuý không có nơi cứ trú trên địa bàn quận có khoảng 200 trường hợp. Ngoài ra, số đối tượng nghiện ma tuý mới phát sinh trên địa bàn quận có 120 trường hợp (số liệu thống kê chưa đầy đủ),… hoạt động mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý, phạm pháp hình sự ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, gây nhiều bức xúc, bất an trong nhân dân.

Ngày 10 tháng 11 năm 2014, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó có nhiệm vụ xem xét rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện, giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngày 14 tháng 11 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND Thành phố; Ban Thường vụ Quận uỷ Quận 12 chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp tổng hợp đối với người nghiện ma tuý và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma tuý trên địa bàn quận, theo đó: 

- Xác định công việc của các cấp, các ngành hiện nay đang tập trung  khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhanh chóng xử lý, ngăn chặn tình trạng người nghiện sử dụng ma tuý nơi công cộng và cộng đồng dân cư, giúp người nghiện ma tuý cắt cơn, giải độc, phục thiện để tái hoà nhập cộng đồng, hạn chế phát sinh người nghiện mới, hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Nhấn mạnh đây là chủ trương đúng đắn, được thực hiện trên tinh thần nhân đạo, nhân văn sâu sắc, tôn trọng quyền con người, tạo điều kiện đưa người nghiện trở về cuộc sống bình thường (phản bác các quan điểm sai trái cho rằng việc tập trung cắt cơn, giải độc người nghiện hiện nay là vi phạm quyền con người, vi phạm hiến pháp); đồng thời quyết tâm đấu tranh ngăn chặn tình trạng mua bán và sử dụng trái phép chất ma tuý, kéo giảm tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội;  đảm bảo sự bình yên của nhân dân

           - Một số công việc tập trung thực hiện:

+ Tăng cường quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, nhất là ở địa bàn các phường giáp ranh; đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc tập trung đấu tranh chuyển hoá các tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma tuý. Thường xuyên đấu tranh, quyết liệt ngăn chặn tình trang buôn bán, sử dụng trái phép chất ma tuý, nhất là loại ma tuý tổng hợp trên địa bàn quận; mở các đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm, nhất là tội phạm mua, bán, sử dụng trái phép các chất ma tuý trên địa bàn thành phố. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về ma tuý đúng pháp luật, quyết tâm làm chuyển biến tình hình, tạo môi trường thật sự bình yên cho nhân dân trên địa bàn quận; rút gọn thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật

+ Tổ chức phòng ngừa và kiên trì các giải pháp cai nghiện có hiệu quả để kềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma tuý; xây dựng các mô hình cai nghiện ma tuý phù hợp tại cộng đồng và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người cai nghiện, mở rộng chương trình điều trị nghiện thay thế bằng thuốc Methadone; tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người hoàn thành cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng.           

+ Đối với người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định: các ngành, Ủy ban nhân dân phường xem xét quyết định đưa người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với người bệnh, cẩn trọng, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. 

+ Đối với người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định, Uỷ ban nhân dân phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quận cùng với gia đình quản lý chặt chẽ từng đối tượng, tư vấn cho người nghiện tự nguyện đi cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện; tuyên truyền và mở rộng công tác điều trị nghiện bằng thay thế thuốc Methadone, nâng cao hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng và gia đình; UBND phường, khu phố, tổ dân phố tích cực thực hiện chủ trương này.

Tuyên truyền về ma túy và cai nghiện ma túy [ nội dung theo tờ bướm tuyên truyền “Ma túy và cai nghiện ma túy” do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe) phát hành ]

                                                                             BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY

 


Số lượt người xem: 3673    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày