Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), chúng tôi đến thăm Tổ phòng chống lao thuộc Liên chuyên khoa truyền nhiễm, da liễu, lao vào một ngày đầu xuân ấm áp. Một năm mới, một khí thế làm việc mới là điều dễ nhận thấy khi chúng tôi cùng được trò chuyện với tập thể y, bác sĩ của Tổ. Với đội ngũ 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên, Tổ hiện đang quản lý 698 bệnh nhân lao, phụ trách công tác khám, điều trị lao và bệnh phổi. Ngoài ra, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống lao cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổ.
|
Các y, bác sĩ Tổ phòng chống lao đang cùng họp bàn kế hoạch triển khai công tác kiểm tra các cơ sở |
Bác sĩ Nguyễn Tống Ái - Phó Liên chuyên khoa, tổ trưởng Tổ lao cho chúng tôi biết, tìm người bị mắc bệnh lao - là nguồn lây, điều trị lành bệnh nguồn lây chính là cách phòng chống lao tốt nhất. Do đặc điểm tình hình kinh tế xã hội của Quận 12 nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung, thành phần dân nhập cư, tạm trú để làm việc đông, dành phần lớn thời gian để làm việc nên họ ít chú ý đến vấn đề sức khỏe, chủ quan trong việc đi khám sớm để phát hiện bệnh và ít kiên trì để điều trị khi đã được phát hiện. Thông thường, người dân khi bị ho khạc kéo dài thường tự mua thuốc uống hoặc nghĩ ngay đến các bệnh về phế quản, phổi nên trực tiếp đi đến các bệnh viện quận, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để khám, để rồi khi kết quả xác định bệnh nhân bị nhiễm lao, họ lại được chuyển trở về tuyến quận để theo dõi, điều trị. Quá trình này tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của bệnh nhân so với việc họ đến thẳng Trung tâm Y tế dự phòng của quận để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị hoàn toàn miễn phí.
Trong năm 2014, các hoạt động của chương trình chống lao như công tác quản lý, điều trị bệnh nhân tại cộng đồng, cung ứng thuốc, vật tư, thống kê báo cáo, đào tạo, truyền thông, kiểm tra giám sát, tài chính đều được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Trong năm đã khám cho hơn 1.200 người, phát hiện mới 276 người, âm hóa (điều trị lành bệnh) cho 261 người đạt tỉ lệ 94,6%. Tuy nhiên, Quận 12 vẫn là một quận có tỉ lệ xét nghiệm phát hiện thấp, chỉ 0,3% dân số được thử đàm, chưa đạt tỉ lệ trên 1% dân số như mục tiêu chung của thành phố. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho tập thể Tổ phòng chống lao là cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống bệnh lao cho chính mình và mọi người trong cộng đồng; đồng thời phải kết hợp tốt công tác phòng chống lao với các công tác khác như: phòng chống thuốc lá, phòng chống HIV/AIDS...Với thời gian công tác khá lâu tại Trung tâm, lại là những người có tâm huyết, nặng lòng với công tác phòng chống lao, tập thể Tổ phòng chống lao luôn kết hợp chặt chẽ với các y bác sĩ trạm y tế, các cộng tác viên tại các phường để đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp nhiều thông tin đến với người dân để họ hiểu và cùng chung tay ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh. Cụ thể như hàng năm, Tổ đều có kế hoạch tuyên truyền lồng ghép vào các ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, có kế hoạch giám sát việc giáo dục sức khỏe tại các phường, mỗi quý các phường phải có 1 buổi tuyên truyền đến người dân thông qua các cuộc họp khu phố, tổ dân phố về công tác phòng chống lao. Đã tổ chức được 11 lớp truyền thông trực tiếp bằng hình thức thảo luận, phát tờ bướm tuyên truyền với nội dung tìm hiểu nguyên nhân, phòng và chống bệnh lao, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với trên 300 người tham dự; cổ động tranh cờ biểu ngữ qua các đợt phát động phòng chống lao, phát tờ rơi, treo áp phích những nơi đông người... Nhờ các hoạt động truyền thông tư vấn trong quá trình điều trị mà nhận thức người dân tăng lên rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị giảm dần.
Đánh giá về công tác của Tổ phòng chống lao, bác sĩ Nguyễn Đăng Tuyến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận đã đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khách quan chung còn nhiều khó khăn. Đội ngũ y bác sĩ của Tổ, tuy làm việc trong môi trường được xem là độc hại, có nguy cơ lây nhiễm cao, chế độ trợ cấp còn khiêm tốn nhưng rất gắn bó, tận tâm với công việc và với bệnh nhân. Và chỉ với một từ “tận tâm” của đội ngũ y bác sĩ tổ phòng chống lao nói riêng cũng như đội ngũ y bác sĩ nói chung của toàn quận, toàn thành phố và cả nước, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, mọi bệnh tật rồi cũng sẽ được đẩy lùi; đội ngũ bác sĩ sẽ luôn là những chiến sĩ tận tâm nhất trên mặt trận bảo vệ sức khỏe cho người dân.
KHÔI NGUYÊN(BT)