Đồng bào và các bạn thân mến!
Tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra nhiều thảm họa, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Vấn đề này không còn là chuyện riêng của mỗi quốc gia mà trở thành mối nguy cơ lớn, đòi hỏi trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới sẽ chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Những năm gần đây thời tiết nắng nóng gay gắt và kéo dài trên diện rộng một cách bất thường; mưa lớn, lũ lụt thường xuyên xảy ra; những cơn bão mạnh đổ bộ vào đất liền nước ta ngày một nhiều gây thiệt hại về tài sản và tính mạng con người…
Nhận thức sâu sắc về hiểm họa thiên tai. Đảng, nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo và tập trung đầu tư cho công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Hàng năm Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng các công trình phòng, chống, dự báo, cảnh báo thiên tai; mua sắm trang thiết bị và phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Xây dựng và ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. Ngoài ra nước ta còn tích cực hợp tác, thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tham gia ký kết và tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Khung hành động Hyogo về giảm nhẹ thiên tai, Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp. Đặc biệt tại kỳ họp lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hàng năm Ủy ban nhân dân Quận 12 ban hành kế hoạch về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Quận 12. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được tổ chức và vận hành từ cấp quận đến cấp phường. Thực hiện đầu tư kinh phí để triển khai các giải pháp công trình và phi công trình nhằm phòng, chống ứng phó thiên tai.
Năm 2015, có nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 05 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa cường độ lớn, lốc xoáy… làm thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân và công trình công cộng. Năm 2016, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp. Do vậy, các ban, ngành, địa phương và nhân dân cần quan tâm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” bao gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện và vật tư tại chỗ. Khi xảy ra thiên tai, nhân dân chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần tương thân tương ái. Khi bị tai nạn, sự cố hãy gọi tổng đài 114 để được hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Thu Hà (P.VHTT)