Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
0
9
5
7
2
2
Tin tức sự kiện 01 Tháng Hai 2016 10:35:00 SA

Học đàn và hát vọng cổ

Quận12 là một trong những quận nội thành có phong trào Đờn ca Tài tử khá sôi nổi và rầm rộ từ phường đến khu phố và cùng với các quận huyện lân cận như: Hóc Môn, Gò Vấp, Thuận An (Bình Dương), đã tạo nên một khu vực rộng lớn thu hút hàng triệu người tham gia biểu diễn và thưởng thức bộ môn nghệ thuật này, thông qua các chương trình hội thi cấp quận, huyện và thành phố cũng như các chương trình giao lưu nghệ thuật giữa các đội, nhóm  trong và ngoài quận.

Nhạc sĩ Hứa Văn Lài tại CLB Gia đình hạnh phúc phường An Phú Đông

Trong những năm gần đây do tình hình kinh tế - xã hội quận phát triển nhanh, nhất là từ khi bô môn nghệ thuật Đờn ca Tài tử được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, thì phong trào ca hát vọng cổ cũng như là học đàn cổ nhạc được mọi thành phần trong xã hội quan tâm tìm hiểu và học tập. Tuy nhiên hiện trên địa bàn Quận 12 và các địa phương lân cận thì việc tìm thầy để thọ giáo là  không phải dễ, bởi người hát và người đàn thì nhiều song thầy dạy đàn và hát vọng cổ thì đếm trên đầu ngón tay. Tại Quận 12, ngay như Trung tâm Văn hóa quận cũng không có lớp nào dạy môn này, còn CLB  Đờn ca Tài tử người cao tuổi phường An Phú Đông thì thỉnh thoảng mới có tổ chức tập hát dân ca vào chiều chủ nhật, ngoài ra thì người yêu thích cũng chẳng biết học tập và trau dồi môn nghệ thuật này ở đâu. Các lò đào tạo tư nhân thì cũng chỉ một hai nơi, có lớp nhạc dạy tại tư gia và nhận kèm tại nhà như lò đào tạo của Nhạc sỹ Lâm Nhí ở phường Thới An, gia đình nhạc sĩ Văn Hải ở Tân Chánh Hiệp,  gia đình ông Hải Bánh ở An Phú Đông, ngoài những điểm này thì trên địa bàn quận chẳng còn chỗ nào khác.

Tuy nhiên nếu những ai yêu thích và muốn tìm hiểu sâu môn nghệ thuật này, các bạn có thể tới trường Nghệ thuật Sân khấu nằm trên đường Cống Quỳnh, Nhạc viện Thành phố nằm trên đường Nguyễn Du, Quận 1, hoặc các Trung tâm Văn hóa Quận 3, quận Phú Nhuận. Ngày nay với phương tiện thông tin hiện đại, chúng ta có thể tự học đàn và hát vọng cổ qua sách báo, qua mạng Internet, nhưng với điều kiện người học biết nhiều về tân nhạc và yêu thích dân ca, đặc biệt là dân ca Nam bộ. Nếu học qua mạng thì chúng ta vào google gõ “Tài liệu tham khảo lý thuyết căn bản và qui luật 6 câu giọng cổ”, sẽ hướng dẫn chúng ta cụ thể từng chi tiết cách hát và đàn một bài vọng cổ, cụ thể là cách hát các bài Lý, cách nói lối cách vào câu vọng cổ, từ câu 1 đến câu 6. Đặc biệt các bài dân ca và bản đàn 6 câu vọng cổ được ký âm theo phương pháp ký âm của phương tây, (tức các âm Hò, xề, xang, xê, cống, líu), được ghi trên khuông nhạc 7 âm  thành rê, fa sol, la, si  rê, cho giọng nữ (đào)và sol, si, dô, rê, mi, sol cho giọng nam (kép). Nhạc cụ dành cho cổ nhạc cũng rất phong phú, nhưng phổ biến là đàn tranh, đàn kìm, đàn guitar phím lõm… Theo chia sẻ kinh nghiệm của nhạc sỹ Hứa Văn Lài ở An Phú Đông thì đàn guitar phím lõm vẫn được những người mới học chọn nhiều nhất, bởi phương pháp gần giống với guitar tân nhạc giá thành phải chăng phù hợp túi tiền mọi tầng lớp. Tuy nhiên dù là học đàn cổ hay tân nhạc thì việc chọn mua đàn là việc đầu tiên chúng ta cần lưu ý, nên tham khảo ý kiến ở những người có kinh nghiệm, khi mua đàn cần chú ý những điểm sau: Nếu có điều kiện thì chúng ta đặt nơi sản xuất một cây đàn hoàn hảo để diễn tấu hay hơn, trường hợp eo hẹp về tài chính chúng ta có thể mua một cây đàn cũ rồi về sửa sang lại, bằng cách dùng dũa tròn hay dũa có một mặt tròn để dũa các phím. Phím sẽ mòn dần và thành hình gần như bán nguyệt, sâu độ 1 cm là vừa. Nếu sâu quá thì cần đàn sẽ bị yếu đi, lúc đó khi căng dây sẽ bị cong từ từ vì sức kéo của dây và sẽ làm lạc giọng rất dễ dàng! Khi mua đàn cũ nên để ý xem sau khi lên dây, cần đàn còn thẳng hay không? Có loại cần đàn được dán ghép một thanh gỗ mỏng loại rất cứng ở giữa, suốt dọc cần đàn, để chịu sức căng cho khỏi bị cong với thời gian. Vì nếu làm toàn bằng gỗ cứng này thì đàn sẽ rất nặng nề. Khi dủa loại cần đàn này phải để ý chỗ gỗ "mềm hơn" sẽ bị mòn lẹ hơn, do đó phải để ý cầm dũa cho thẳng để được mòn đều. Vì chỉ làm được 1 lần, nếu bị sai thì... đành phải tìm mua đàn khác. Còn nhạc sĩ Trần Khuyến, người có nhiều  kinh nghiệm sáng tác về tân  và cổ nhạc đã chia sẻ cách học hát và đàn vọng cổ như sau: Vọng cổ mỗi câu có 8 khuông, mỗi khuông 4 nhịp nên thường thì có 32 nhịp trong một câu (trừ một vài trường hợp ngoại lệ theo ý soạn giả).

Khi bắt đầu câu 1 hoặc bất cứ câu nào của bài giọng cổ người hát sẽ tấu trước 16 nhịp không có đàn.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hoa đang dạy đàn cho học trò

Người đàn sẽ bắt đầu vào nhịp 16 tới hết câu 1 rồi chuyển sang câu 2, 3…  tương tự như vậy người đàn cũng phải học thuộc lòng  6 câu, mỗi câu tương ứng 32 nhịp, mỗi nhịp 4 phách như trong tân nhạc, tuy nhiên để đàn được và đàn thành thạo 6 câu đòi hỏi chúng ta cần thị tấu tốt, bởi vì kỹ thuật câu trong cổ nhạc nhiều nốt luyến láy, âm vực nhiều quãng rộng, vì vậy nên học bổ sung các môn lý thuyết âm nhạc như tân nhạc, phải chịu khó luyện trí nhớ tốt, kiên nhẫn học từng câu một, từng bài lý, điệu hò và học thể nói lối. Người học hát thì thuộc lời và giai điệu bài hát, học đàn thì thuộc lòng từng nốt, từng nhịp, từng câu rồi ráp thành bài.Thực ra để trình tấu một bài vọng cổ, không cần đến kiến thức âm nhạc bác học như bản giao hưởng, thực chất của nó rất đơn giản, giống như chúng ta học cùng lúc nhiều bài hát rồi ráp lại, trừ câu rao là tùy hứng còn lại mỗi câu có 32 nhịp (theo nhịp 4/4), bởi vậy chỉ cần đòi hỏi chúng ta cần kiên trì chịu khó, chú ý quan sát và luyện trí nhớ thật tốt là sẽ thành công.

Chúng tôi hy vọng rằng sau bài viết này những ai đam mê nghệ thuật Đờn ca tài tử, đặc biệt là các bạn đoàn viên, thanh niên có thể tìm cho mình một nơi học cổ nhạc như ý; hoặc các bạn có thể tự học thêm thông qua internet dành cho những ai có căn bản về tân nhạc lẫn cổ nhạc, từ đó tự luyện giọng hát, luyện ngón đàn cho thật mượt mà, chinh phục người nghe, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và biểu diễn môn nghệ thuật này trong công chúng.

Lữ Huy (BT)


Số lượt người xem: 3322    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày