Ngày 19/3, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 12 đã tổ chức chuyên đề “Hành trình tìm tự do - Từ cuộc đời đến nghệ thuật”.

Học viên thể hiện các tiết mục của Trạm 3 - Tự do trong âm nhạc
Chuyên đề dưới sự hướng dẫn của cô Trần Thị Cẩm Ly và nhóm Ngữ văn, đã mang đến cách tiếp cận mới mẻ trong môn Ngữ văn, không chỉ giúp học viên tiếp cận tri thức mà còn khuyến khích sáng tạo qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo đó, chuyên đề được thiết kế thành bốn trạm học tập liên môn, giúp học viên tiếp cận bài học theo nhiều góc độ khác nhau gồm: Trạm 1, Giải mã lịch sử - Khám phá sự kiện lịch sử qua hình ảnh, video tư liệu, mang lại cái nhìn trực quan và sinh động; Trạm 2, Tự do trong văn chương - Phân tích bài thơ Tự do của Pôn Ê-luya với sự hỗ trợ của Google, ChatGPT, Canva, khuyến khích tư duy phản biện và trình bày quan điểm cá nhân; Trạm 3, Tự do trong âm nhạc - Tìm hiểu các ca khúc về tự do, sử dụng Suno AI và YouTube để sáng tác, kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại; Trạm 4, Tự do trong hội họa – Phân tích tranh dưới góc nhìn nghệ thuật và công nghệ, sử dụng AI để sáng tạo tác phẩm thể hiện góc nhìn cá nhân về tự do.
Không còn những giờ học thụ động, học viên được trực tiếp trải nghiệm, khám phá và sáng tạo, giúp ghi nhớ kiến thức sâu hơn. Công nghệ không chỉ hỗ trợ học viên phân tích văn học, sáng tác nhạc hay hội họa mà còn mở ra không gian tương tác mới mẻ, biến lớp học thành một hành trình khám phá đầy hứng khởi.
Chuyên đề không chỉ là một tiết học sáng tạo mà còn khẳng định hướng đi đúng đắn của Trung tâm GDNN - GDTX Quận 12 trong việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, giúp học viên tiếp cận tri thức theo cách hiệu quả và hiện đại nhất.
Khép lại chuyên đề, ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” vang lên, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về khát vọng hòa bình, độc lập và tự do. Đây không chỉ là một bài học, mà còn là hành trình giúp học viên thấu hiểu giá trị của tự do, đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo.
PH