1. Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn số 07-HD/VPTW ngày 22 tháng 12 năm 2021 “về công tác thẩm định, thẩm tra văn bản trình Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố của Văn phòng tỉnh ủy, Thành ủy”. Cho biết quy trình, nội dung thẩm định, thẩm tra văn bản?
1. Trường hợp không thành lập tổ thẩm định, thẩm tra
Căn cứ quy mô, tính chất của văn bản, nếu xét thấy không cần thiết phải thành lập tổ thẩm định, thẩm tra thì Chánh Văn phòng tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho một hoặc một số chuyên viên theo dõi ngành, lĩnh vực thực hiện thẩm định, thẩm tra văn bản và xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra (bố cục, nội dung báo cáo thực hiện theo hướng dẫn tại “Bước 5” (trong phần các bước tiến hành thẩm định, thẩm tra) báo cáo lãnh đạo Văn phòng tỉnh ủy trình Thường trực tỉnh ủy cho ý kiến trước khi ký trình hội nghị cấp ủy tỉnh.
2. Trường hợp thành lập tổ thẩm định, thẩm tra
2.1. Ban hành Quyết định thành lập tổ thẩm định, thẩm tra
- Căn cứ quy mô, tính chất, tầm quan trọng của văn bản, Chánh Văn phòng tỉnh ủy ký Quyết định thành lập tổ thẩm định, thẩm tra; lựa chọn thành viên tổ thẩm định, thẩm tra bảo đảm phù hợp với năng lực trình độ chuyên môn và lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Thành phần của tổ thẩm định, thẩm tra gồm: Đại diện lãnh đạo Văn phòng tỉnh ủy hoặc lãnh đạo cấp phòng làm tổ trưởng và ít nhất từ 3 chuyên viên theo dõi ngành, lĩnh vực làm thành viên (trường hợp cần thiết, đề xuất xin ý kiến Thường trực tỉnh ủy trưng tập chuyên viên một số sở, ban, ngành và mời một số chuyên gia liên quan tham gia). Tổ lựa chọn 1 thư ký giúp việc trong số các thành viên của tổ.
2.2. Các bước tiến hành thẩm định, thẩm tra
Bước 1: Họp tổ thẩm định, thẩm tra.
Tổ trưởng chủ trì họp để thống nhất kế hoạch, đề cương báo cáo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên nghiên cứu, thu thập thông tin bước đầu về văn bản; nhận xét, đánh giá toàn bộ hoặc từng phần văn bản; lập dự toán kinh phí thẩm định (nếu có).
Bước 2: Thu thập thông tin, nhận xét, đánh giá
Cá nhân thành viên nghiên cứu, thu thập thông tin, báo cáo, nhận xét, đánh giá về thẩm quyền, thể thức và nội dung của văn bản; tổng hợp báo cáo tổ trưởng. Xem xét quy mô, tính chất, tầm quan trọng của văn bản có thể tổ chức đoàn đi nghiên cứu, khảo sát thực tế.
Bước 3: Tổ chức hội thảo
Nếu xét thấy cần thiết có thể tổ chức hội thảo để tham khảo thêm ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan văn bản cần thẩm định.
Bước 4: Họp tổ thẩm định, thẩm tra
Tổ trưởng chủ trì họp thảo luận và thống nhất các ý kiến tham gia tại cuộc họp; thông báo nội dung các ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân (nếu có). Thư ký tổ thẩm định ghi biên bản phản ánh đầy đủ các ý kiến tham gia.
Bước 5: Xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra
Căn cứ vào biên bản cuộc họp thẩm định và ý kiến tham gia bằng văn bản của các tổ chức, cá nhân, tổ trưởng chủ trì xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra. Yêu cầu báo cáo thẩm định, thẩm tra phản ánh rõ các nội dung chủ yếu sau:
(1) Những vấn đề chung:
- Các căn cứ theo Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, kế hoạch liên quan đến nội dung văn bản.
- Quá trình triển khai thực hiện xây dựng văn bản.
- Về hồ sơ, tài liệu (quy trình, thẩm quyền theo phân cấp và thể thức của văn bản).
(2) Tóm tắt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan.
(3) Ý kiến đề xuất của Văn phòng tỉnh ủy:
- Những vấn đề nhất trí.
- Những vấn đề cần làm rõ thêm.
- Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
- Những đề xuất, kiến nghị.
Bước 6: Hoàn chỉnh báo cáo thẩm định, thẩm tra
Sau khi tổ thẩm định, thẩm tra hoàn thành dự thảo báo cáo thẩm định, thẩm tra, Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng phụ trách theo dõi ngành, lĩnh vực ký báo cáo, kèm theo biên bản họp thẩm định trình Thường trực tỉnh ủy cho ý kiến trước khi trình ra hội nghị cấp ủy tỉnh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thẩm định, thẩm tra văn bản, các cấp ủy thuộc Quận nghiên cứu, áp dụng phù hợp đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị.
2. Thẩm định, thẩm tra đề án, văn bản của các cơ quan, tổ chức trước khi trình cấp ủy về yêu cầu, phạm vi, quy trình, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản là một trong những nhiệm vụ của Văn phòng cấp ủy. Mục đích, phương pháp thẩm định, thẩm tra là gì?
Mục đích nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, phục vụ cấp ủy; bảo đảm chất lượng xây dựng và ban hành văn bản trình cấp ủy.
Phương pháp: Thẩm định, thẩm tra văn bản phải bảo đảm kết hợp kiến thức tổng hợp của chuyên viên văn phòng cấp ủy và ý kiến tham gia tư vấn của các cơ quan chuyên môn liên quan, của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực. Trong quá trình thẩm định, thẩm tra, khi cần thiết văn phòng cấp ủy báo cáo đề xuất Thường trực cấp ủy trưng tập tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm liên quan đến nội dung văn bản tham gia. Tuỳ theo yêu cầu của văn bản có thể trưng cầu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Xem xét sự phù hợp về thể thức, nội dung của văn bản so với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc của cấp ủy và các quy định khác có liên quan; sự phù hợp của nội dung và các tài liệu liên quan được chuẩn bị so với chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy. Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch của địa phương; việc tuân thủ các quy định về môi trường, quốc phòng, an ninh, phòng, chống cháy nổ... Căn cứ nội dung, tính chất của mỗi văn bản để xác định phạm vi, độ “mật” và đối tượng lấy ý kiến theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế làm việc của cấp ủy. Lãnh đạo văn phòng, chuyên viên tiếp nhận hồ sơ văn bản phải xác định bằng văn bản với đại diện cơ quan, tổ chức gửi văn bản và dự kiến thời gian trình cấp ủy.