Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
4
2
0
5
3
Sổ tay Đảng viên 07 Tháng Giêng 2020 2:15:00 CH

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Với tinh thần nhân văn cao cả và nhãn quan chính trị sắc bén, suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng, các cấp chính quyền, trong các tầng lớp Nhân dân. Trong các tác phẩm của mình, Bác có tới trên 400 bài nói và viết về đoàn kết. Tư tưởng về đoàn kết của Người được thể hiện nổi bật là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”; “Đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”; “...một điểm rất quan trọng cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật).

1. Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược quyết định thành công của cách mạng Việt Nam

Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa đoàn kết và thành công. Hơn thế nữa, phạm vi, mức độ, quy mô của thành công trước hết phụ thuộc vào chính quy mô và mức độ của khối đại đoàn kết. Có đoàn kết mới có thắng lợi, càng gặp kẻ thù lớn, càng khó khăn gian khổ bao nhiêu lại càng phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi và vững chắc bấy nhiêu.

Là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”... Để lí giải một nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đương đầu đánh bại những thế lực có ưu thế tuyệt đối về vật chất, phương tiện chiến tranh, Người nói: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước, Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại. Theo Bác, Đoàn kết trong Đảng là tiền đề đại đoàn kết dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế. Đó là đường lối chiến lược kết hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam; vì “ Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”.

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Người cũng thể hiện mong muốn tột bậc: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

2. Lực lượng và hình thức tổ chức đại đoàn kết toàn dân tộc

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết hối cải trở về với Nhân dân. Nói cách khác, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.

Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thống nhất lợi ích quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng; nòng cốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh công - nông - trí dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, dân cư ở các vùng miền khác nhau. Phát huy mặt tương đồng, hóa giải điểm khác biệt. Mẫu số chung để đại đoàn kết toàn dân tộc là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh: “Toàn dân đoàn kết nhất trí thì chúng ta nhất định xây dựng được nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh”.

Hình thức tổ chức lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc là Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất được thành lập với những tên gọi phù hợp, như: Hội phản đế đồng minh (1930); Mặt trận Thống nhất Nhân dân phản đế Đông Dương (1936); Việt Nam độc lập đồng minh hội gọi tắt là Việt Minh (1941); Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam - gọi tắt là Hội Liên Việt (1946); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955); Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960); Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977 đến nay). Mặt trận dân tộc thống nhất chỉ có thể bền vững khi được xây dựng trên nền tảng khối liên minh công - nông - trí thức và dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Người, để tập hợp lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không được phép bỏ sót bất cứ thành phần giai cấp, xã hội nào, miễn là họ có lòng yêu nước, sẵn sàng cống hiến, phục vụ quốc gia dân tộc. Và “Công, nông, trí chúng ta đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn trở ngại… Chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

(Còn tiếp)

BBT


Số lượt người xem: 744    
Xem theo ngày Xem theo ngày