Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
1
3
0
4
5
2
Tin tức sự kiện 25 Tháng Mười Một 2016 3:15:00 CH

Tình hình mới liên quan tới khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung

Vừa qua, Ban tuyên giáo Trung ương ban hành nội dung tuyên truyền một số tình hình mới liên quan tới khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung thời gian qua. Ban biên tập Cổng thông tin điện tử trích sao một số nội dung liên quan:  

I. Tình hình ổn định đời sống cho người dân, khắc phục hậu quả sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế 
Sau khi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Công ty Formosa) công khai nhận trách nhiệm về sự cố môi trường và xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vào ngày 30/6/2016, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp để ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng và khắc phục hậu quả sự cố, trong đó trước mắt tập trung vào công tác thống kê, bồi thường thiệt hại cho người dân. Đồng thời để bảo đảm công tác này được đồng bộ, thống nhất, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm trưởng ban. Thành phần gồm các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân 4 tỉnh miền Trung. Nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn này tập trung vào 4 nhóm vấn đề sau: 


1.Về chủ trương bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả cho người dân 
a, Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng khẩn trương tiến hành điều tra, kiểm nghiệm, khoanh vùng, khi đủ điều kiện công bố ngay vị trí ngư trường an toàn, chất lượng môi trường biển, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại vùng biển của 04 tỉnh miền Trung cho nhân dân biết; hướng dẫn ngư dân tiếp tục khôi phục sản xuất, kinh doanh để dần ổn định đời sống; nêu rõ khu vực nào đã an toàn, khu vực nào đang khảo sat, đánh giá. 

Thực hiện chỉ đạo này, ngày 22/8/2016, tại Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 04 tỉnh miền Trung và công bố môi trường tại 04 tỉnh miền Trung đã an toàn cho du lịch, bơi, tắm biển và nuôi trồng thủy sản. Tiếp đó ngày 29/8/2016 tại Thừa Thiên – Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường, bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy hải sản sau công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường và thống nhất với các địa phương về phương án chỉ đạo sản xuất thủy hải sản tại các địa phương đảm bảo an toàn.

b, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng, lấy ý kiến của nhân dân các địa phương liên quan để tạo thuận lợi khi thực hiện và bảo đảm các nội dung cơ bản:
 - Các nguyên tắc, tiêu chí xác định đối tượng bị thiệt hại (ngư dân trực tiếp đánh bắt gần bờ, xa bờ, diêm dân, các hoạt đông dịch vụ trực tiếp bị thiệt hại xác thực);

- Bảo đảm Quy trình xây dựng biểu mẫu, hướng dẫn người dân kê khai thiệt hại chính xác, đúng sự thật, thủ tục tiến hành xác định, thống kê thiệt hại, kiểm tra, thẩm định kết quả thống kê thiệt hại; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong triển khai thực hiện; mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại…

- Trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, địa phương khi tiến hành xác định, thống kê thiệt hại… bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lợi dụng, thất thoát…

 c, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án đánh giá, xử lý, khôi phục môi trường biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá, xử lý, phục hồi môi trường biển, đa dạng sinh học biển tại khu vực bị ảnh hưởng, lắp đặt các thiết bị, tổ chức hoạt động quan trắc, giám sát môi trường và đa dạng sinh học tại khu vực bị ảnh hưởng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phục hồi môi trường sinh thái biển (bao gồm tái tạo và trồng lại san hô, cỏ biển, cá biển và các loại thủy sinh khác…) tại khu vực biển của các tỉnh bị ảnh hưởng.

 d, Bộ Y tế, Bộ Công thương xây dựng Đề án kiểm nghiệm, đảm bảo ATVSTP, hỗ trợ tiêu thụ thủy sản tại 04 tỉnh miền Trung. Bộ Y tế chỉ trì xây dựng đề án về kiểm nghiệm và xác nhận an toàn thực phẩm đối với thủy sản đã được thu mua, tạm trữ trong thời gian qua và thủy hải sản đánh bắt xa bờ trong thời gian tới tại 04 tỉnh bị ảnh hưởng; nghiên cứu, đề xuất biện pháp hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho người dân bị ảnh hưởng. Bộ Công thương nghiên cứu đề xuất giải pháp tiêu thụ thủy hải sản khai thác của 04 tỉnh; giải pháp bảo vệ, duy trì thương hiệu, uy tín của thủy sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế sau những tác động tiêu cực của sự cố môi trường nghiêm trọng này.

 2.Về công tác thống kê, xác định, bồi thường thiệt hại
Trong công tác bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả cho người dân, việc thống kê, xác định, bồi thường thiệt hại là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cần tập trung triển khai ngay nhằm kịp thời bảo đảm ổn định đời sống và quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng.

Theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 22/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển thuộc 4 tỉnh miền Trung gồm: Khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.

Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9/2016.

Việc bồi thường chỉ áp dụng cho các thiệt hại trực tiếp do sự cố môi trường gây ra, các thiệt hại gián tiếp sẽ được nghiên cứu có hình thức hỗ trợ thích hợp.

Ngày 30/9/2016, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường bàn về tình hình triển khai công tác thống kê, xác định và bồi thường thiệt hại, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận:
- Kết luận triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch.

- Triển khai, thực hiện nghiêm Quyết định 1880/QĐ-TTg. Khi chi trả tiền bồi thường, phải tính toán chính xác, chi trả đúng thời hạn chi phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Ngay trong tuần đầu tháng 10/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn công tác liên ngành trực tiếp đến 04 tỉnh để hướng dẫn triển khai và giám sát thực hiện Quyết định này.

- Đồng ý về nguyên tắc ứng trước khoản tiền khoảng 3.000 tỷ đồng từ kinh phí bồi thường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa chi trả để các tỉnh tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân 04 tỉnh chủ trì cùng Bộ Y tế giải quyết dứt điểm trong tháng 10/2016 lượng hải sản được thu mua trong thời gian xảy ra sự cố còn tồn kho trên địa bàn. Phân định rõ lượng hàng tồn kho theo các lô; kiểm nghiệm an toàn thực phẩm các lô hàng; tiêu hủy ngay các lô hàng không đạt chất lượng ATTP và hỗ trợ theo quy định hiện hành. Bộ Công thương chỉ đạo, huy động các doanh nghiệp thương mại chủ động thu mua ngay các lô hàng đạt chất lượng ATTP tại 04 tỉnh miền Trung.

Thực hiện chỉ đạo này, hiện nay, 04 tỉnh miền Trung đã thành lập Hội đồng thẩm tra và các tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn; tổ xác nhận đối tượng, số lượng thiệt hại. Trên cơ sở định mức bồi thường thiệt hại theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Chính phủ, các tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan của địa phương tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để chi trả cho các đối tượng thiệt hại.

Ngoài các chính sách chung từ Chính phủ, các địa phương căn cứ tình hình cụ thể đã chủ động hỗ trợ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể là:
Tỉnh Hà Tĩnh, hỗ trợ gạo cho các ngư dân; hỗ trợ cho 5.012 chủ tàu, thuyền với số tiền hơn 23 tỷ đồng; cấp miễn phí 100% cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng môi trường khi mua thẻ bảo hiểm y tế; thành lập 25 cửa hàng thu mua hải sản an toàn cho ngư dân; hỗ trợ 50% chi phí tiền điện cho các kho đông lạnh tạm trữ hải sản từ tháng 4 đến tháng 9/2016…

Tỉnh Quảng Bình, đã trích ngân sách hỗ trợ cho tàu, thuyền phải ngừng đánh bắt trong vùng bị ô nhiễm; hỗ trợ 20% giá cho các doanh nghiệp, đại lý, hộ thu mua hải sản trong cấp tỉnh; cấp 5.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cứu đói cho các gia đình ngư dân. Trong đó, đơt 01 đã cấp 3.000 tấn gạo, dự kiến đợt 02 sẽ cấp tiếp 2.500 tấn gạo vào tháng 11/2016.

Tỉnh Quảng Trị, trích gần 4 tỷ cho 1.700 hộ ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để ngư dân chuyển đổi nghề. Khuyến khích, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng các mô hình gia trại, nông trại vùng cát (điển hình như ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong đến nay đã xây dựng được 90 mô hình gia trại trồng xen canh các loại dưa, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, cho thu nhập ổn định); miễn thu học phí năm 2016 – 2017 đối với học sinh có hộ khẩu thường trú tại 16 xã vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển (13.000 học sinh ở các bậc học mầm non, tiểu học, THCS và THPT) với số tiền là 3,8 tỷ đồng.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế, hỗ trợ 6 tháng lương thực (15kg gạo/tháng/01 người) cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển (gồm 27 xã của 5 huyện, thị) với tổng số gạo là 2.800 tấn; hỗ trợ tiền cho các tàu đánh cá ven bờ, người nuôi trồng thủy sản với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cho vay để thu mua, tạm trữ hải sản an toàn với số tiền 6,4 tỷ đồng…

3.Về quản lý kinh phí bồi thường do Công ty Formosa chi trả:
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan quản lý, sử dụng số tiền này. Khoản tiền bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề do Công ty Formosa chi trả phải được quản lý chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, đến tận tay người dân, không thất thoát hay chi sai đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, đồng bộ,  thống nhất trong cả 04 tỉnh miền Trung có thiệt hại.

4.Về giám sát thực hiện các cam kết của Công ty Formosa 
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, đôn đốc Công ty Formosa thực hiện các cam kết về hoàn thiện các công trình xử lý nước thải, kiểm soát các hoạt động xả thải theo đúng quy trình và việc chuyển đổi công nghệ sản xuất cốc theo đúng công nghệ đã được phê duyệt (chuyển từ dập ướt sang khô) và đúng thời hạn đã cam kết, kịp thời phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xử lý những vấn đề nảy sinh, trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ (theo báo cáo 366/BC-CP, ngày 29/9/2016 của Chính phủ, đối với 58 sai phạm quy định về môi trường, đến nay, Công ty Formosa đã khắc phục được 37 sai phạm). Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cụ thể việc quan trắc tự động và có đề án giám sát cụ thể không được để Formosa tái phạm và có chế tài xử lý (đóng cửa nhà máy) nếu vi phạm lại. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, báo cáo đề xuất về phương án xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của Công ty Formosa và đề xuất giải pháp đối với những trường hợp phát sinh. 

5.Về làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan 
a, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng này. 

b, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ rà soát về mọi mặt pháp lý đối với thủ tục cấp phép đầu tư cũng như đánh giá tác động môi trường của toàn dự án, xem xét quy trình, quy định về thiết kế xây dựng và cấp phép xả thải Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ. 

c, Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ quá trình phê duyệt dự án, quy hoạch, cấp phép xây dựng các hạng mục công trình của Công ty Formosa theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện có vi phạm, đề xuất kiến nghị xử lý. 

d, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra xác minh làm rõ quá trình quy hoạch, thẩm định, phê duyệt, cấp phép, hợp thức hóa cho Formosa; nếu phát hiện có vi phạm thì kiến nghị xử lý. 

II. Tình hình an ninh trật tự tại các tỉnh Bắc miền Trung thời gian gần đây 
Thời gian vừa qua, liên quan đến sự có môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, nhất là liên quan đến công tác giải quyết chính sách đền bù cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, trên địa bàn Bắc miền Trung đã xảy ra một số vụ việc phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cụ thể:
- Trong hai ngày 26,27/9/2016, linh mục Đặng Hữu Nam (quản xứ giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An) tổ chức cho khoảng 500 giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An kéo đến trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh để nộp đơn khởi kiện Formosa. Việc làm này đã kéo theo khoảng 700 giáo dân giáo hạt Kỳ Anh cũng kéo đến trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh để ủng hộ linh mục Nam và giáo dân xứ Phú Yên.

Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận 506 đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo của công dân có hộ khẩu thường trú tại Quỳnh Lưu, Nghệ An khởi kiện Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp formosa Hà Tĩnh yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xả thải chất gây ô nhiễm môi trường biển, gây thiệt hại về tài sản, thu nhập và sức khỏe của người dân. Qua xem xét các đơn khiếu kiện cho thấy, hầu hết các đơn đều có hình thức giống nhau, nhiều đơn còn thiếu căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, như: tài liệu chứng minh các quyền sở hữu đối với các tài sản bị thiệt hại; chứng minh về nhân thân; bảng kê chi tiết các thiệt hại; biên bản xác định thiệt hại…

- Ngày 02/10/2016, Linh mục Trần Đình Lai và khoảng 5.000 giáo dân (thuộc 6/7 giáo xứ trong hạt Kỳ Anh) đã tổ chức tuần hành tại thị xã Kỳ Anh và tụ tập biểu tình trước nhà máy Formosa. Trong quá trình tụ tập, một số người quá khích đã viết, vẽ nhiều câu khẩu ngữ chống Đảng, Nhà nước; đập phá tài sản của Công ty Formosa; gây cản trở giao thông, tấn công lực lượng thi hành công vụ.

Việc tổ chức đoàn đi tập trung nộp đơn khởi kiện của giáo dân Nghệ An cũng như việc tổ chức các đợt đi tuần hành trong thời gian gần đây, không chỉ xuất phát từ đòi hỏi của các cá nhân mà chủ yếu do nhiều hộ dân bị các thế lực thù địch, tổ chức khủng bố Việt Tân, một số phần tử cơ hội chính trị, số cực đoan trong Công giáo thuộc giáo phận Vinh lợi dụng sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động gây rối, gây mất ổn định trật tự an ninh, tạo “điểm nóng” về an ninh chính trị trên địa bàn để chống phá Đảng, Nhà nước.

Dự báo trong thời gian tới, các phần tử cơ hội, tổ chức khủng bố Việt Tân và phần tử cực đoan trong công giáo sẽ tiếp tục kích động giáo dân trên địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung kéo về Tòa án thị xã Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện, đưa ra các yêu sách vô căn cứ. Nếu Tòa án, chính quyền không đáp ứng sẽ tổ chức khởi kiện, khiếu nại cấp cao hơn; đồng thời tổ chức các hoạt động tuần hành, gây mất an ninh trật tự và có khả năng đẩy đến mức cao hơn như: biểu tình, bắt giữ người và đập phá tài sản của Công ty Formosa Hà Tĩnh.

 


Số lượt người xem: 1804    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày