Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 412 vụ, việc liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ. Cụ thể: xảy ra 257 vụ cháy, làm chết 03 người, bị thương 09 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 9,5 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra 04 vụ cháy lớn, 04 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 155 tai nạn, sự cố có tổ chức cứu nạn cứu hộ. Kết quả đã cứu được 77 người và tìm được 18 thi thể nạn nhân, bàn giao cho địa phương tiếp tục xử lý.
Qua đó, có thể thấy, tình hình cháy, nổ vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra thì việc xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PACC&CNCH) là điều không thể thiếu nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác PCCC. Trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về công tác đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt là hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn, cách xử lý tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh, … chính là góp một phần không nhỏ trong việc cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH giảm thiểu tối đa các sự cố cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Chung cư Thái An
Việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ dựa vào các cơ sở pháp lý sau:
Tại Khoản 20, Điều 1, Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi năm 2013 quy định về xây dựng và thực tập phương án chữa cháy như sau:
“Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình, chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ đối với thôn, cơ sở, rừng, phương tiện giao thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xây dựng, thực tập phương án chữa cháy cho cơ sở, khu dân cư do mình quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần huy động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương.
Phương án chữa cháy phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.”
Khoản 2, Điều 21, Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định rõ trách nhiệm xây dựng và thực tập phương án chữa cháy cụ thể như sau: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, trưởng thôn, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản lý của mình (gọi là phương án chữa cháy của cơ sở); Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư cần huy động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương (gọi là phương án chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy).”
Trách nhiệm xây dựng và thực tập phương án chữa cháy được quy định cụ thể như vậy, nhưng thực tế hiện nay, công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vẫn còn một số tồn tại:
Về xây dựng phương án chữa cháy, Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định rõ khu dân cư cũng phải có phương án chữa cháy. Tuy nhiên, việc hướng dẫn xây dựng phương án chữa cháy tại khu dân cư chưa được hướng dẫn cụ thể nên còn gặp nhiều khó khăn. Đa số người đứng đầu cơ sở chưa thật sự nắm bắt và tìm hiểu nhiều về Luật PCCC nên hầu như họ không hiểu về quy trình xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phù hợp với địa phương, cơ sở mình.
Bên cạnh đó, với tâm lý, việc tổ chức thực tập phương án chữa cháy ảnh hưởng đến hoạt động làm việc hay sản xuất kinh doanh của cơ sở, do trong quá trình thực tập phải ngưng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như huy động hầu hết toàn bộ cán bộ, công nhân viên của cơ sở phải tham gia để họ có thể thực tế trải nghiệm và nắm bắt quy trình, cách xử lý khi không may có cháy, nổ xảy ra. Một số người đứng đầu cơ sở chưa nhận thức đúng về công tác PCCC, nghĩ rằng việc tổ chức thực tập phương án chữa cháy mất nhiều kinh phí nên họ cố tình né tránh việc thực tập phương án. Công tác tuyên truyền về thực tập phương án chữa cháy đến từng người dân cũng còn nhiều hạn chế, họ không thật sự nghiêm túc khi tham gia thực tập phương án.
Để đảm bảo an toàn PCCC cho các cơ sở và hạn chế tới mức thấp nhất số vụ, cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra thì công tác tuyên truyền, xây dựng và tổ chức thực tập phương án đóng vai trò rất quan trọng, giúp cơ sở, lực lượng PCCC chuyên nghiệp và những người tham gia có điều kiện thực hành những tình huống cháy giả định, để có thể xử lý nhanh, kịp thời khi có sự cố xảy ra. Để làm tốt được điều này, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng hình ảnh, pano, áp phích, khẩu hiệu và các video clip tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người thấy được mức độ nguy hiểm và thiệt hại nghiêm trọng do cháy, nổ gây ra, từ đó hiểu được tầm quan trọng và có trách nhiệm hơn trong công tác PCCC
Ngoài ra, việc tổ chức xây dựng và thực tập phương án chữa cháy cần được tổ chức thường xuyên để mọi người nêu cao tinh thần trách nhiệm, cũng như huán luyện mọi người kỹ năng xử lý khi có cháy cũng như khả năng thoát nạn trong đám cháy.
Hai là: Người đứng đầu cơ sở cần quy định, phân công rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ cho cán bộ phụ trách công tác PCCC cơ sở mình, tạo điều kiện cho cán bộ được tập huấn chuyên sâu về công tác PCCC, giúp nâng cao kiến thức và các kỹ năng xử lý các sự cố liên quan đến công tác PCCC. Tuyệt đối không được xem nhẹ hay có hành vi đùa giỡn, không nghiêm túc trong quá trình thực tập.
Ba là: Khi tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thì lực lượng PCCC phải tiến hành học tập phương án đó thật kỹ. Các lực lượng tham gia phải nắm bắt được tất cả các vấn đề liên quan đến cơ sở, tình hình thực tế, khả năng chiến thuật của các tiểu đội trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Bốn là: Phải tổ chức theo đúng như kịch bản , kế hoạch thực tập phương án, giả định được tình huống cháy nguy hiểm nhất. Khả năng phối hợp với các lực lượng liên quan trong công tác cứu chữa một vụ cháy.
Năm là: Tổ chức rút kinh nghiệm cho toàn thể cán bộ, công nhân viên và Cảnh sát PCCC&CNCH sau buổi thực tập để khắc phục những nhược điểm còn tồn tại và đề ra cách xử lý tốt nhất, hiệu quả nhất./.
Phúc Uyển (Công an Quận 12)