Cách đây 89 năm, vào ngày 03/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn giúp việc cho hoạt động của Trung ương Đảng, kể từ đó các ngành xây dựng Đảng được thành lập: Tuyên giáo (01/8/1930), Tổ chức (14/10/1930), Dân vận (15/10/1930), Văn phòng cấp ủy (18/10/1930). Đến năm 1948 Trung ương Đảng có Nghị quyết thành lập ngành Kiểm tra (16/10/1948). Qua 89 năm hình thành và phát triển, các ngành xây dựng Đảng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, của Nhân dân; không ngừng phát huy truyền thống quý báu của Ngành:
Ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2019): Lịch sử ra đời và phát triển của các Ban xây dựng Đảng gắn liền với lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền, đây là tổ chức quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng. Nhân ngày Quốc tế đỏ 01 tháng 8 năm 1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ mồng 1 - 8”, lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, mà đỉnh cao là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), những cán bộ tuyên truyền của Đảng đã đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng công nông, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Sự nghiệp đó tiếp tục được phát huy cao độ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó động viên toàn Đảng, toàn dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 01 tháng 8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01 tháng 8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.
Ngành Tổ chức của Đảng (14/10/1930 - 14/10/2019):Ngày 14/10/1930, Bộ Tổ chức kiêm giao thông - tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương Đảng ngày nay được thành lập, ngay sau đó đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng; quan tâm và tập trung củng cố, phát triển tổ chức cơ sở Đảng, vận động các phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng. Trong không khí sôi sục cách mạng xen lẫn sự vui mừng phấn khởi có Đảng ra đời và lãnh đạo, các tổ chức Đảng đã nhanh chóng phát triển. Chỉ hơn một năm sau, đã có 250 chi bộ được thành lập với hơn 2.500 đảng viên cùng nhiều tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo cũng lần lượt ra đời như: Công hội, Nông hội, Phụ nữ liên hiệp Hội, Hội Cứu tế đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương,... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển ngày càng mạnh mẽ ở nhiều vùng trong cả nước và đã đạt được những thắng lợi quan trọng mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Mốc son lịch sử trong công tác tổ chức Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng được tổ chức vào cuối tháng 3 năm 1935 tại Ma Cao (Trung Quốc) đã xác định nhiệm vụ chính là khôi phục hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở; từ Đại hội này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu ra để hoàn thiện hệ thống tổ chức, đưa phong trào cách mạng phát triển lên một bước mới. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đã có nhiều thế hệ cán bộ đảng viên trung kiên, tài năng, đạo đức được hình thành và trở thành những nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng như đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười..., đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa,...
Trong suốt 89 năm qua, công tác tổ chức - xây dựng Đảng đã bám sát đường lối chính trị của Đảng và thực tiễn tình hình đất nước qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, hàng ngàn lượt cán bộ làm công tác tổ chức đã nêu gương sáng về tinh thần chiến đấu kiên cường, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng, củng cố, phục hồi tổ chức cơ sở Đảng. Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy, ngành Tổ chức của Đảng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, là phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho cán bộ làm công tác Tổ chức Xây dựng Đảng các cấp.
Ngành Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2019): Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng đã xác định: Trong các Đảng bộ phải tổ chức ra các ban chuyên môn về giới vận động như công nhân vận động, nông dân vận động, quân sự vận động, phụ nữ vận động,... với nhiệm vụ lãnh đạo công nhân và quần chúng đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân; sự ra đời của các ban chuyên môn về giới vận đã đặt nền tảng cho các mặt công tác Dân vận của Đảng và thể hiện rõ quan điểm “Lấy dân làm gốc” của cách mạng. Từ ý nghĩa lịch sử ấy cùng với sự kiện ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, đăng trên báo Sự thật ngày 15 tháng 10 năm 1949, đã được Bộ chính trị đã thống nhất và quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là Ngày Dân vận của cả nước, đồng thời là Ngày truyền thống Công tác Dân vận của Đảng.
Công tác Dân vận đã gắn liền với từng bước trưởng thành và lớn mạnh của Đảng. Mốc son lịch sử trong hoạt động của công tác Dân vận của Đảng là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc. Thắng lợi này là thắng lợi của khoa học và nghệ thuật vận động Nhân dân, tin vào dân, gắn bó với Nhân dân, dựa vào sức mạnh của Nhân dân; tuyên truyền giác ngộ Nhân dân, tổ chức tập hợp lực lượng Nhân dân và các đoàn thể chính trị; phát động Nhân dân đấu tranh từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và chống Đế quốc Mỹ, một lần nữa đã minh chứng cho lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “lực lượng của dân rất to lớn, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Sau chiến thắng lịch sử của cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân cả nước tiến lên giai đoạn cách mạng mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn mới của cách mạng, công tác Dân vận có vị trí, vai trò ngày càng to lớn. Tại Đại hội lần thứ V năm 1981 của Đảng đã xác định rõ “ở thời kỳ nào công tác vận động và tổ chức quần chúng làm cách mạng cũng có ý nghĩa chiến lược”. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã ban hành Nghị quyết về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”. Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI có Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới”. Qua đó, công tác dân vận của Đảng có nhiều khởi sắc hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo động lực mới trong phong trào quần chúng, góp phần quan trọng tạo nên sự chuyển biến khá toàn diện cả về nội dung lẫn phương thức vận động quần chúng Nhân dân theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, Đảng đã ngày càng được dân tin, dân mến, dân theo.
BTG