Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
2
2
8
5
5
Nông nghiệp đô thị 29 Tháng Mười Hai 2020 9:30:00 SA

Hội viên nông dân phát triển kinh tế bền vững từ mô hình trồng hoa lan

Trong những năm qua, phong trào thi đua hội viên Hội Nông dân thi đua làm kinh tế giỏi, kinh doanh giỏi trên địa bàn Quận 12 nói chung và phường Hiệp Thành nói riêng đã lan tỏa, thu hút được đông đảo hội viên tham gia, đã có nhiều hội viên vươn lên phát triển kinh tế bền vững, anh Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1975 là hội viên Chi hội 7, phường Hiệp Thành là một trong các cá nhân điển hình.

Anh Nguyễn Văn Trung đang chăm sóc vườn hoa Lan của mình

Với 20 năm trong công việc trồng các loại cây kiểng, mặc dù có giá thành cao nhưng thu nhập bấp bênh chủ yếu dựa vào mùa Tết. Đến năm 2018, anh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình, tìm tòi học hỏi, cách thức trồng hoa lan để kiếm thêm thu nhập ổn định kinh tế. Vào năm 2018, thực hiện chương trình chuyển đổi vật nuôi cây trồng theo định hướng nông nghiệp đô thị của quận, phường, anh Trung tham gia lớp dạy nghề trồng hoa Lan do Hội Nông dân phường tổ chức, qua đó anh đã xây dựng mô hình trồng hoa Lan Ngọc Điểm với diện tích 1.000 m2, trồng mai ghép và kiểng bon sai 1.000 m2 với vốn đầu tư ban đầu 3 tỷ đồng. Trong đó, anh được Hội Nông dân phường hướng dẫn vay vốn theo Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền 2 tỷ đồng.

Với số tiền trên anh Trung đã nhanh chóng đầu tư vào các hạng mục để xây dựng, lắp ráp khung sắt và thuê mướn nhân công, đồng thời anh dành thời gian hơn 1 năm để học cách trồng và chăm sóc. Hiện tại, vườn của anh có hơn 13.000 gốc lan, 700 gốc giã hạc, hơn 70 gốc kiểng bon sai và mai ghép.

Thời gian đầu sau khi chuyển đổi sang mô hình trồng Lan, kinh tế anh rất khó khăn để trang trải tiền lãi vay mỗi tháng, khó khăn trong công tác tìm kiếm nguồn ra cho Lan, trong việc chăm sóc một phần vì chưa có kinh nghiệm, 1 phần do các tác động ngoại cảnh như thay đổi thời tiết, sâu bọ... đã gây khó khăn trong việc trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn của Hội Nông dân, tự học hỏi nghiên cứu thêm nhiều cách trồng lan với quan điểm “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay sau 3 năm chăm sóc, vườn Lan anh đã có nguồn thu nhập ổn định, từng bước phát triển kinh tế của gia đình, hiện nay thu nhập hằng tháng của gia đình dao động khoảng 20 triệu đồng.

Anh Trung chia sẻ: “Hội đã luôn theo sát và quan tâm, đã tổ chức nhiều đợt tập huấn và tạo điều kiện để tôi có thể tham quan học hỏi các mô hình trồng lan đã thành công trước đó, để tôi có điều kiện học tập và bồi dưỡng thêm kiến thức, để phát triển kinh tế gia đình”

Ông Nguyễn Hữu Bình - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Thành, Quận 12 cho biết: “Nhiều năm nay hội viên nông dân của phường chủ yếu là chăn nuôi bò, lợn gây ô nhiễm môi trường, một số hộ nông dân trồng rau nhưng sản lượng không cao. Trước tình hình đó, Hội Nông dân phường đã mở các lớp đào tạo, tập huấn cho hội viên nông dân về cách thức chuyển đổi cơ cấu, vật nuôi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, trong đó có lớp tập huấn về trồng hoa lan. Anh Trung là một trong học viên tham gia lớp tập huấn này, được sự ủng hộ của Hội Nông dân phường về vốn, anh đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu mang lại những kết quả, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Là hội viên nông dân, anh Trung tích cực tham gia các phong trào, lớp tập huấn, dạy nghề do Hội Nông dân phường tổ chức. Chấp hành tốt việc tham gia đóng góp các loại quỹ vận động của địa phương”.

Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình mà mô hình trồng hoa Lan của anh giải quyết việc làm cho 03 lao động, anh còn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa Lan, kiểng bon sai cho 8 nông dân. Anh Trung mong muốn, mô hình của anh khi thành công sẽ được nhân rộng trên địa bàn; anh luôn sẵn sàng chia sẻ cách thức, kỹ thuật cho những hội viên có nhu cầu phát triển kinh tế từ mô hình trồng hoa Lan.

THANH PHƯƠNG


Số lượt người xem: 640    
Xem theo ngày Xem theo ngày