Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
5
9
2
7
3
Sổ tay Đảng viên 26 Tháng Năm 2023 9:05:00 SA

Nhận thức và thực hành văn hóa Hồ Chí Minh

 

Đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay là nhờ sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam, tỏ rõ hồn cốt, bản sắc, nét riêng, là “Made in Việt Nam”. Vậy nên hiện nay, để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc, sải bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện và khát vọng của Bác Hồ vĩ đại và của cả dân tộc, cần phải vun bồi văn hóa, đặc biệt là tu thân, rèn luyện theo văn hóa Hồ Chí Minh.

          Chưa bao giờ góc nhìn văn hóa lại được bàn luận sôi nổi như hiện nay. Cũng dễ hiểu bởi thực tiễn cho thấy, văn hóa là cái vẫn thiếu khi đã học tất cả; là cái còn lại khi đã quên đi tất cả. Văn hóa lâm nguy còn đáng sợ hơn Tổ quốc lâm nguy. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt gần bốn mươi năm đổi mới, thành tựu và hạn chế của đất nước đều do việc có hay không nhận thức đúng đắn và thực hành văn hóa Hồ Chí Minh.

THỰC HÀNH VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH

        Đề cao văn hóa bổn phận, liêm chính. Luôn luôn suy nghĩ và đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải thấu triệt và thực hành hằng ngày, suốt đời bốn chữ “Chí công vô tư”; trăn trở và hành động theo nhân cách Hồ Chí Minh phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân, luôn nghĩ về ích quốc lợi dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đó cũng chính là văn hóa liêm chính, văn hóa đạo đức với ý nghĩa là gốc, nền tảng của cán bộ, đảng viên; là thước đo “trình độ người”, “chất người”, làm cho đất nước vững mạnh, trường tồn. Bởi vì “người mà không Liêm, không bằng súc vật”(3). Cán bộ, đảng viên không được dính líu gì với vòng danh lợi, mỗi ngày phải làm được việc tốt, có ích cho dân, cho nước. Cần phải lên án, loại bỏ những loại cán bộ chạy theo chức quyền, danh lợi, mua chức, bán quyền. Bởi vì cán bộ “cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(4). Thực tế cho thấy “ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”(5).

Thực hành văn hóa nêu gương. Đối với người phương Đông, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Văn hóa nêu gương còn là một khía cạnh thuộc phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Những câu nói của cha ông “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “nhà dột từ nóc dột xuống” chính là những lời răn dạy về việc người đứng đầu phải nêu gương. Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở rằng nói miệng ai cũng nói được, ta cần phải thực hành. Người chỉ rõ: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”(6). Những lời răn dạy của cha ông và trong di sản Hồ Chí Minh mang giá trị trường tồn như ý kiến của Tổng Bí thư trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông lưu ý tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”(7). Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là những người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu phải là một tấm gương sáng theo tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đảng ta chỉ rõ sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Thực hành văn hóa nêu gương có giá trị bền vững, trường tồn.

          Thực hành văn hóa phê và tự phê bình. Các nghị quyết về xây dựng Đảng những năm qua chỉ rõ tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Đây là một trong những nguyên nhân làm “Đảng hỏng”(8), giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. 

           Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, quy luật phát triển Đảng, một thang thuốc hay nhất để chữa các bệnh trong Đảng. Hồ Chí Minh hiện thân của văn hóa phê và tự phê bình. Khi Đảng có khuyết điểm, cách mạng gặp khó khăn, Người tự nhận “chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ sự mong muốn của đồng bào… Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”(9). Có lần Người nói: “Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”(10). Khuyến khích cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”(11), phê bình Đảng, Chính phủ và người lãnh đạo chính là một khía cạnh rất quan trọng của văn hóa dân chủ. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước Tổ quốc, nhân dân và Đảng trong việc rèn luyện văn hóa phê và tự phê bình. Theo tinh thần của Lênin, tiêu chuẩn của một đảng đúng đắn, chân chính cách mạng là không sợ bộc lộ khuyết điểm của mình, công khai thừa nhận sai lầm, vạch rõ nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh của sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm.

           Từ cách tiếp cận dân là chủ, Đảng là đày tớ của dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phải hoan nghênh sự phê bình của dân. Phê bình càng rộng, chính sách, đường lối càng đúng, uy tín càng cao. Đừng sợ phê bình mà mất uy tín. Người viết: “Quần chúng tinh lắm, quần chúng biết phân biệt thật giả. Dân sợ mình thù mà không dám nói đó thôi. Càng tự phê bình trước dân chừng nào dân càng bằng lòng và phục mình chừng ấy”(12). Khơi dậy quyền làm, quyền nói của dân, “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(13) thì mới xây dựng được một Đảng vững mạnh.

        Rèn luyện văn hóa ứng xử. Văn hóa là một kiểu quan hệ. Ở tầm vĩ mô, điều có ý nghĩa nhất, quan trọng nhất của văn hóa ứng xử là biết xử sự, xử thế một cách trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo trong cách mạng, đổi mới, chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong cuộc sống lao động, học tập hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng tư cách của một người cách mạng thể hiện trong các mối quan hệ với nhân dân, với Đảng, với đồng sự, với công việc, với các hạng người khác, nhưng trước hết, hàng đầu, xuyên suốt là phải biết cách xử sự, xử thế với chính mình. Mình đối với mình phải “chính tâm tu thân” thành một người tử tế, đứng đắn thì mới “tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ”(14). Hồ Chí Minh chỉ rõ “tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý”(15). Chỉ có tự mình thành một người tốt thì mới có thể xử sự tốt với đồng bào, đồng chí, bạn bè; cương quyết và khôn khéo với kẻ địch.

               Phải làm cho văn hóa trở thành một yếu tố khăng khít của đời sống, của toàn bộ lĩnh vực hoạt động và ứng xử của con người. Chỉ có nhận thức dù sâu sắc đến mấy và nói thôi thì vẫn chưa là văn hóa. Chỉ khi nào nhận thức biến thành niềm tin, nếp sống, lối sống, hành động tự nhiên, thật sự hằng ngày thì mới trở thành văn hóa. Cán bộ, đảng viên phải nhận thức và rèn luyện theo tinh thần đó.

                                                                   PGS. TS. Bùi Đình Phong


Số lượt người xem: 232    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày