Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
1
0
8
9
5
Sổ tay Đảng viên 26 Tháng Năm 2023 9:15:00 SA

Xây dựng văn hóa kiểm tra giúp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phát triển bền vững

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ở Thủ đô Hà Nội (24/11/1946), tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tư tưởng này của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Văn hoá còn thì dân tộc còn; văn hóa - con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta qua các kỳ Đại hội luôn kiên trì, nhất quán nhiệm vụ xây dựng giá trị văn hóa.

Trong quá trình đổi mới đất nước 48 năm qua, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, Đảng ta ngày càng xác định rõ và phấn đấu để: Văn hóa trở thành "nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước"; phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, công bằng xã hội, là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Trong tình hình hiện nay, trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên...

Khi nghiên cứu Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị "Về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030" và Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Kết luận số 34 của Bộ Chính trị, có thể thấy một trong những vấn đề "gốc" có tính quyết định nổi lên trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đó là vấn đề về cán bộ. Việc xây dựng văn hóa kiểm tra chính là xây dựng nền tảng vững chắc để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được phát triển bền vững. Có thể nói, đây là một vấn đề mới, chưa được đề cập nhiều, tuy nhiên với các lý do đã nói trên, cần thiết khơi gợi nội dung quan trọng này.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải đánh bại những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí". Văn hoá đạo đức là gốc, là nền tảng, vững chắc của cán bộ, đảng viên. Văn hoá đạo đức không phải tự nhiên có được mà phải bằng việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu gian khổ, thường xuyên, trên cơ sở những chuẩn mực giá trị đạo đức được quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi chủ thể chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, mỗi cá nhân và nhất là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, phải phấn đấu, rèn luyện để có được nền tảng văn hoá đạo đức thì mới có trách nhiệm cao với Nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp và với cộng đồng; "miễn dịch" những thói hư tật xấu, tránh tham ô, lãng phí, quan liêu. Cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có trách nhiệm "trị bệnh", cứu đồng chí, đồng nghiệp của mình khỏi bị "nhiễm bệnh" thì trước hết họ cần thường xuyên được kiểm tra, "soi chiếu" bằng những tiêu chí văn hoá đạo đức. Đây cũng là một nền tảng vững chắc để cán bộ kiểm tra hội tụ được các phẩm chất cần có cùng với chuyên môn, nghiệp vụ sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, giúp tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên được bảo vệ bền vững. 

Trong Kết luận của Bộ Chính trị "Về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030" có đề ra nhiệm vụ: "Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tuy, trách nhiệm. Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, khung năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra theo hướng chuyên nghiệp". Cụ thể hoá nhiệm vụ này, Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề ra yêu cầu "Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tuyệt đối trung thành, đoàn kết, liêm khiết, kỷ luật, tận tụy, trung thực, chuyên sâu, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng". Như  vậy, trong khi Đảng ta đang trong quá trình cụ thể hoá, làm rõ các nội hàm về các hệ giá trị cũng như chuẩn mực con người Việt Nam thì các tiêu chí, tiêu chuẩn về cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát từ nay đến năm 2030 đã được xây dựng, quy định một cách đầy đủ, toàn diện, ban hành và đi vào cuộc sống. Như vậy, lĩnh vực này đã "đi trước, đón đầu". Trong quá trình Đảng ta cụ thể hoá các hệ giá trị, nhất là hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam thì cán bộ cũng cần căn cứ vào đó để bổ sung, hoàn chỉnh vào trong công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời cũng cần phải xây dựng Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đối với cán bộ kiểm tra.

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết “Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, về tính liêm khiết, chính trực; xây dựng Văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời dạy của Bác Hồ rằng “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”; “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Văn hoá, đạo đức là lĩnh vực rất rộng lớn, do đó cán bộ kiểm tra cần phải trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và chuyên môn nghiệp vụ mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ riêng vấn đề phòng, chống những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực đã rất khó khăn, phức tạp… Do vậy, cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng cũng cần phải xây dựng nền tảng văn hoá để thực hiện trong quá trình thực thi nhiệm vụ nhằm đạt được yêu cầu, chất lượng, hiệu quả, giúp công tác xây dựng Đảng được bảo vệ và phát triển vững chắc, bền vững.

ỦY BAN KIỂM TRA QUẬN ỦY QUẬN 12


Số lượt người xem: 1691    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày