Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
3
5
7
1
7
6
Hỏi - Đáp 29 Tháng Mười Một 2023 5:05:00 CH

Hỏi đáp của Ủy ban kiểm tra

 

Câu 1:

Hỏi: Đảng viên A bị Ủy ban Kiểm tra tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, đồng chí đã nhận một số khuyết điểm vi phạm nhưng đều nêu do khách quan chứ không phải do cố ý vi phạm đồng thời tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra sau khi kiểm tra phát hiện đồng chí A có vi phạm rất nghiêm trọng, đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ. Vậy đồng chí A có được hưởng tình tiết giảm nhẹ hay không?

Trả lời:

          Tại điểm a, khoản 2, Điều 5, Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ Chính trị quy định về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, quy đinh về một trong những tình tiết giảm nhẹ như sau:

          “Chủ động báo cáo vi phạm của mình với tổ chức đảng, tự giác nhận trách nhiệm cá nhân về khuyết điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm trước và trong quá trình kiểm tra, giám sát”.

          Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên A không được hưởng tình tiết nhẹ vì trong quá trình kiểm tra, Ủy ban kiểm tra xác định đảng viên A có vi phạm rất nghiêm trọng, chưa chủ động báo cáo vi phạm của mình với tổ chức đảng, chưa tự giác nhận trách nhiệm cá nhân về khuyết điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật chưa tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm.

 (Nguồn:Tạp chí Kiểm tra Trung ương tháng 11 năm 2023)

Câu 2:

Hỏi: Ủy ban Kiểm tra Quận ủy  kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên X công tác tại phường Y là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý. Ủy ban Kiểm tra Quận ủy đã kết luận đảng viên X có vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao đến mức phải xử lý kỷ luật. Vậy, đảng viên X có phải kiểm điểm trước chi bộ không; quy trình tiếp theo thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Tại điểm 2.3, khoản 2, Điều 13, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định về trình tự xem xét, quyết định kỷ luật đảng viên:

“ Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau thì cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra có thẩm quyền trực tiếp xem xét, quyết định kỷ luật, không cần yêu cầu đảng viên đó phải kiểm điểm trước chi bộ: Vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao; nội dung vi phạm liên quan đến đến bí mật của Đảng và Nhà nước mà chi bộ không biết; vi phạm trước khi chuyển đến sinh hoạt ở chi bộ”.

Điểm 2.2, khoản 2, Điều 11, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định:

“Ủy ban Kiểm tra huyện ủy, quận ủy và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên (kể cả bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên của chi bộ, đảng ủy bộ phận trực thuộc đảng bộ cơ sở hoặc cán bộ thuộc diện Đảng ủy cơ sở quản lý nhưng không phải Đảng ủy viên Đảng ủy cơ sở hay cán bộ do cấp ủy huyện, quận và cấp tương đương cùng cấp quản lý). Quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên cơ sở và cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp”.

Như vậy, đảng viên X vi phạm nhiệm vụ cấp trên giao, Ban Thường vụ Quận ủy , Ủy ban Kiểm tra Quận ủy  có thẩm quyền xem xét, quyết định thi hành kỷ luật, không cần đảng viên X phải kiểm điểm trước chi bộ. Trường hợp đảng viên X vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo thì Ủy ban Kiểm tra Quận ủy sẽ xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền. Trường hợp đảng viên X vi phạm đến mức kỷ luật bằng hình thức cao hơn thì Ủy ban Kiểm tra Quận ủy đề nghị Ban Thường vụ Quận ủy kỷ luật theo thẩm quyền.

                                 (Nguồn:Tạp chí Kiểm tra Trung ương tháng 9 năm 2023)


Số lượt người xem: 61