Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
0
9
5
8
2
9
Tin tức sự kiện 12 Tháng Bảy 2017 8:00:00 SA

Tài liệu tuyên truyền về việc chuyển đổi Hộ kinh doanh sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp

A. Những hạn chế khi kinh doanh dưới hình thức Hộ kinh doanh:

Một là, không có con dấu, không có tư cách pháp nhân.

Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, khác với loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp là một thực thể tách biệt với chủ sở hữu, Hộ kinh doanh không phải là một thực thể tách biệt với cá nhân thành lập). Mọi tài sản của hộ kinh doanh đều là tài sản của chủ hộ kinh doanh. Do đó chủ hộ kinh doanh hưởng toàn bộ lợi nhuận (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính và thanh toán các chi phí theo quy định của pháp luật) và gánh chịu mọi nghĩa vụ liên quan.

Hai là, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm.

Việc hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh tại một địa điểm sẽ hạn chế khả năng phát triển kinh doanh, không có khả năng tiếp tục đầu tư tại những địa điểm khác có tiềm năng. Bên cạnh đó, do mỗi cá nhân chỉ được đăng ký thành lập một hộ kinh doanh nên có thể sẽ làm lộ bí mật kinh doanh khi muốn người khác đứng tên hộ.

Ba là, không được sử dụng quá mười lao động.

Luật Doanh nghiệp năm 2015 quy định nếu hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên trên 10 lao động phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp. Do đó, việc hạn chế số lượng lao động dưới 10 người đồng nghĩa với việc hạn chế sự phát triển, quy mô kinh doanh của hộ kinh doanh.

Bốn là, phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Như đã trình bày ở phần trên, hộ kinh doanh không phải là một thực thể độc lập, không tách biệt với chủ hộ kinh doanh. Do đó, về nguyên tắc, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với khoản nợ của hộ kinh doanh, có nghĩa là chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình kể cả tài sản không đưa vào kinh doanh.

Năm là, không tiếp cận được những chính sách ưu đãi của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp.

Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm mục đích phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Do đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, các hộ kinh doanh không thể tiếp cận được những chương trình hỗ trợ này (như: Chương trình kích cầu thông qua đầu tư; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh, tăng cường bảo vệ môi trường; các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến;...).

Sáu là, khó tiếp cận nguồn tài chính và huy động vốn.

Do không có tư cách pháp nhân và đa số không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, trong khi tài sản giá trị nhất là quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở nên các hộ kinh doanh rất khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Nếu có vay được thì số vốn vay cũng không nhiều, thời hạn vay cũng ngắn và không có lãi suất ưu đãi như loại hình doanh nghiệp. Vì vậy, chủ hộ kinh doanh chỉ sử dụng được nguồn vốn tự có hay huy động từ các thành viên trong gia đình, từ người thân quen (thường là không dồi dào và thiếu ổn định), đồng thời khó tiếp cận được các nguồn vốn khác nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh.

Bảy là, không thể kinh doanh những ngành nghề yêu cầu phải kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp.

Theo quy định của một số pháp luật chuyên ngành, điều kiện để kinh doanh ngành nghề đó là phải có tư cách pháp nhân, hoặc là doanh nghiệp tư nhân. Do đó, hộ kinh doanh không thể đăng ký kinh doanh đối với những ngành nghề có yêu cầu điều kiện này.

Có thể điểm một vài ví dụ sau:

- Theo quy định tại khoản 1 ở các Điều 5,6,7 của Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 về quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc, điều kiện kinh doanh: “Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam”. Do đó, hộ kinh doanh không được kinh doanh các ngành nghề thuộc dịch vụ lô-gi-stíc.

- Theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có quy định về điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng điều kiện: “Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

Tám là, khó phát triển thành mô hình kinh doanh chuyên nghiệp.

Do các hạn chế về mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường hay đổi mới phương thức sản xuất, phương thức kinh doanh, đổi mới khoa học công nghệ… nên việc kinh doanh không thể thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Việc sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh đa số dừng lại ở mức manh mún, tự phát, khó mở rộng thị trường tiêu thụ, chưa nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ tạo ra. Do đó, các hộ kinh doanh khó phát triển thành mô hình kinh doanh chuyên nghiệp so với loại hình doanh nghiệp.

Chín là, quy định quản lý thuế theo hình thức “thuế khoán” áp dụng cho hộ kinh doanh tồn tại nhiều bất cập, khó đánh giá hiệu quả kinh doanh trong thực tế.

Việc tính thuế của các hộ kinh doanh thường dựa vào doanh thu và quy mô của hộ kinh doanh, hình thành nên mức thuế khoán. Tuy nhiên việc xác định thu nhập chịu thuế như quy định của pháp luật là rất khó khăn. Việc xác định một mức doanh thu hợp lý đối với hộ kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau là vấn đề chưa giải quyết được một cách triệt để. Nếu chỉ ấn định một mức doanh thu chung chung không rõ ràng thì sẽ gây hiện tượng không công bằng trong việc tính thuế.

Tất cả các hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các hộ kinh doanh, dẫn đến không tận dụng được các cơ hội rộng lớn của thị trường để phát triển kinh doanh. Để khắc phục những hạn chế nêu trên thì việc kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp sẽ có những lợi thế nhất định.

Xem chi tiết tại đây

Sở Kế hoạch và Đầu tư


Số lượt người xem: 1515    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày