Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
2
0
3
3
6
2
Tin tức sự kiện 29 Tháng Sáu 2011 10:30:00 SA

Ghi chép về chuyến thăm Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người già tàn tật Thạnh Lộc

Chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị từ nhiều ngày trước, kỳ này là phối hợp của 3 đơn vị Chi bộ Văn phòng Quận ủy, Chi bộ Văn phòng ủy ban và Chi bộ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thăm và tặng quà tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người già tàn tật Thạnh Lộc quận 12 nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Gia đình Việt Nam 26/8/2011.

           Từ sáng sớm, chiếc xe chở quà cùng các đồng chí đảng viên đã đến Trung tâm để lo công tác chuẩn bị. Đúng 8g30, tại hội trường, các cụ đã ngồi kín, ngay ngắn và tất cả đều đồng phục, trên gương mặt cụ nào cũng rạng rỡ khi biết hôm nay sẽ có đoàn đến thăm phục vụ văn nghệ, tặng quà và tổ chức bữa ăn nghĩa tình.

           Trong lúc mọi người đang xem biểu diễn văn nghệ, tôi tranh thủ đến làm quen với anh hộ lý, tên Thiện tại phòng bại liệt, thật bất ngờ khi anh cho biết: trước đây anh đi học, trong thời gian đi học, anh cũng từng đến thăm Trung tâm này, nhìn những mảnh đời tại đây anh đã không chịu được, nên bỏ học xin vào đây làm luôn đến nay đã được 3 năm. Tôi thầm nể phục anh khi anh cho tôi biết như vậy về anh, người đã cảm nhận nổi đau của đồng loại mà gạt bỏ tất cả để vào đây chăm sóc các chú các anh như những người thân trong gia đình mình.

         Chào anh Thiện, tôi quay sang phía giường bên bắt gặp một anh đang rất say sưa ghi ghi, chép chép trên quyển tập, tôi đến bên giường và hỏi: Anh tên gì nè? Ngước mặt nhìn tôi, anh chỉ cười và anh cuối đầu xuống cặm cụi nắn nót từng chữ vào quyển tập, tôi đọc Trần Văn Hưởng, tuổi hợi 28 tuổi. Vậy quê anh ở đâu? Anh ghi: Đắc Lắc. Tôi tiếp tục hỏi: Vậy ba mẹ anh đâu? Anh khó khăn để lấy tay gãi đầu và cười bẽn lẽn! Tôi chợt hiểu ra anh không nói được chỉ trả lời câu hỏi của tôi bằng những chữ viết trên quyển tập. Tôi không dám hỏi thêm điều gì mặc dầu tôi nhìn trên gương mặt anh lúc nào cũng cười. Chợt nhìn về phía tường, nơi đầu nằm anh có bức vẽ hình Phật bà Quan âm và ông Địa, quay sang nhìn anh, đôi mắt và nụ cười của anh dường như anh muốn nói “bức tranh là của tôi vẽ đó, anh thấy đẹp không?”

          Nhìn anh, nhìn bức tranh và quyển kinh “Nhân quả ba đời” trước mặt anh đang đọc có lẽ anh đã ý thức được rằng vì số phận nghiệt ngã nên anh không được như những người bình thường khác, anh đang

tìm một điểm tựa để có thể có thêm nghị lực và tinh thần tiếp tục vượt qua số phận. Anh còn rất trẻ, chỉ 28 thôi cái tuổi mà bao hoài bão cuồng cuộn trong con người anh; muốn học tập và cống hiến nhưng điều đó thật không dễ dàng khi suốt ngày anh làm bạn với chiếc xe lăn và chiếc giường. Chia tay anh tôi cũng kịp ghi lại tấm ảnh khi anh đang mỉm cười, một nụ cười như muốn nói không khuất phục và cam chịu số phận của anh. Tôi xúc động, quay sang nơi khác không để ai đó bắt gặp cặp mặt đỏ hoe của mình.

           Tôi lại bước ra ngoài phòng, bất chợt tôi bắt gặp một cụ bà đang chăm chú lắng nghe màn biểu diễn văn nghệ của một thành viên trong đoàn.

           “Chào cụ! Cụ cho con hỏi, năm nay cụ bao nhiêu tuổi ạ?” Cụ bảo cụ tên Vũ Thị Đó, 86 tuổi quê ở tận Thanh Hóa. Như gợi ngay ký ức của cụ, với chất giọng miền Bắc, cụ kể tôi nghe một mạch, cụ nói cụ buồn ông nhà bỏ cụ và 3 đứa con theo vợ bé kể từ khi sanh đứa con thứ ba, do muốn tìm một người nối dõi tông đường nên khi biết tôi có mang con gái, ông đã bỏ đi biền biệt, một mình nuôi ba con khôn lớn, chúng nó có gia đình và không liên lạc được nữa, không ai chăm sóc, cụ một mình lặn lội vào Nam nhặt ve chai bán kiếm sống qua ngày, đêm về thì tìm góc nào đó ở Bến xe Miền Đông ngủ. Ở được hơn một tuần thì bảo vệ đã đuổi cụ đi và cũng là lúc thành phố có đợt đưa người già tàn tật vào trại thì cụ cũng nằm trong số đó, cụ vào đây đến nay đã hơn 3 năm.

           Cụ khóc khi tôi hỏi về gia đình người thân, cụ bảo, giờ không liên lạc được ai, chỉ vào đây sống như vậy là tốt lắm rồi, chia tay cụ, cụ còn cảm ơn tôi, cảm ơn đoàn đã dành chút thời gian đến thăm và tặng quà cho các cụ. Nhìn các cụ đang mải xem biểu diễn văn nghệ thấy mà xót xa, họ cũng đều là những bậc sinh thành nhưng đến cái tuổi gần đất xa trời mà các cụ lại không người thân chăm sóc, tôi cũng như mọi người trong đoàn đều thấy lòng mình quặn đau, nghèn nghẹn trong lòng.

           Tôi cùng đoàn tiếp tục đến từng phòng trao tặng quà, đến khu bại não gặp chị Thảo là hộ lý cho tôi biết các em ở đây đều được đưa về từ trường mầm non Thị Nghè độ tuổi từ 10 tuổi trở lên, hoàn cảnh của các em thật đáng thương, đa số các em bị bại não, không nói được, không làm chủ được hành vi. Khi đến tặng quà cho các em, nhiều thành viên trong đoàn không giấu được sự xúc động của mình khi chứng kiến tận mắt các em tật nguyền, bại não, nằm trong những chiếc giường được thiết kế đặc biệt, có em phải cột tay vào thành giường. Những khuôn mặt bị méo mó vì bệnh tật, không được học hành vui chơi như những bạn cùng tuổi.

 

             Các em dù vui lên khi được các thành viên trong đoàn đến phát quà, đút ăn, các cụ dù sung sướng khi trên tay cầm món quà dù món quà không đáng giá bao nhiêu nhưng chúng tôi những người có mặt hôm nay đã tận mắt thấy cảnh tật nguyền của các em, các cụ cô đơn không người thân trong suốt phần đời còn lại gắn mình trên những chiếc ghế và giường thật không khỏi xót xa và chạnh lòng, dù biết rằng còn đó nhiều nỗi đau, nhiều mảnh đời bất hạnh nhưng chúng tôi không thể không khóc với những người có cảnh ngộ như thế! Thật vậy, nhiều anh chị trong đoàn không nén được sự xúc động họ đã khóc nức nở như chưa từng khóc bao giờ!

           Trên đường về, trên xe mọi người ít nói chuyện hơn, có người nhìn vào khoảng không hình như tất cả đều có chung một suy nghĩ – suy nghĩ về các số phận thương tâm đang ở Trung tâm này và với cuộc sống của nhiều người kém may mắn hơn trong cuộc đời này, để thấy rằng mình còn nhiều may mắn và cần phải cố gắng hơn.

Bài và ảnh: Xuân Hải

 


Số lượt người xem: 4138    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày