Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
3
4
2
4
0
9
Kiểm tra - Giám sát thi hành kỷ luật trong Đảng 02 Tháng Mười Hai 2020 8:15:00 SA

Phát huy vai trò giám sát của chi bộ góp phần nâng cao chất lượng đảng viên

 

Chi bộ là tế bào để cấu thành tổ chức cơ sở đảng, là nền tảng trong hệ thống tổ chức của Đảng; là cầu nối giữa tổ chức đảng, đảng viên với quần chúng nhân dân. Theo quy định số 86-QĐ/TW ngày 01/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương thì Chi bộ là một trong những chủ thể giám sát của Đảng; đối tượng giám sát của chi bộ là đảng viên do chi bộ quản lý. Điều lệ Đảng từ khóa X đến nay đều quy định nhiệm vụ giám sát của chi bộ, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác giám sát của chi bộ. Thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát của chi bộ góp phần quan trọng ngăn ngừa những hạn chế, thiếu sót của đảng viên, nâng cao chất lượng đảng viên ngay từ cơ sở.

Kết quả triển khai nhiệm vụ giám sát của chi bộ những năm qua cho thấy, qua giám sát đã giúp các chi bộ đánh giá đúng hơn tình hình hoạt động của cán bộ, đảng viên; phát huy ưu điểm, cách làm hay, kịp thời chấn chỉnh, những lệch lạc trong nhận thức và hành động của đảng viên; giúp đối tượng được giám sát tự đánh giá được kết quả hoạt động của mình cũng như ưu điểm để phát huy, nhận ra những hạn chế, thiếu sót để khắc phục, phấn đấu vươn lên; ngăn ngừa kịp thời những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, công tác giám sát của một số chi bộ trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập là: Nhiều chi bộ còn lúng túng, chưa xây dựng được chương trình, kế hoạch giám sát, nhất là giám sát theo chuyên đề; việc giám sát thường xuyên chủ yếu mới tập trung vào đối tượng đảng viên không giữ chức vụ, ít thực hiện nội dung này với đảng viên là đối tượng cấp ủy cấp trên quản lý; một số chi bộ chưa nắm vững phương pháp, quy trình giám sát nên còn lẫn nội dung giám sát với sinh hoạt định kỳ dẫn đến không rõ đối tượng cần điều chỉnh sau giám sát. Cá biệt có chi bộ còn nhầm lẫn giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động giám sát…

Để phát huy vai trò giám sát của chi bộ đối với đảng viên, công tác giám sát của chi bộ cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của chi bộ nói chung, phát huy tác dụng tích cực của công tác giám sát đối với đảng viên. Các cấp ủy đảng, trước hết là cấp ủy cơ sở phải tăng cường tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quy định của Đảng về vị trí, vai trò, chức năng của chi bộ và công tác giám sát của chi bộ, trực tiếp và thường xuyên là cấp ủy chi bộ và bí thư chi bộ; phân công cấp ủy trực tiếp theo dõi, giúp chi bộ triển khai nội dung công tác này. Thông qua hoạt động giám sát của chi bộ, cấp ủy cơ sở phát hiện những khó khăn về năng lực giám sát, điều kiện giám sát để tham mưu với UBKT và cấp ủy cấp trên có kế hoạch giúp đỡ chi bộ, thường xuyên và trực tiếp nhất là chi ủy chi bộ.

Thứ hai, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là cấp huyện và cơ sở phải có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chi tiết, có trọng tâm, trọng điểm đối với hoạt động giám sát của chi bộ. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là cấp trên trực tiếp của chi bộ phải chủ động có kế hoạch chỉ đạo công tác giám sát của chi bộ, phân công cán bộ phụ trách cơ sở, nắm địa bàn; đồng thời bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát cho cấp ủy chi bộ. Hoạt động giám sát của chi bộ được xây dựng thành chương trình, kế hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ, tùy theo nội dung giám sát mà chi bộ thành lập các tổ công tác giúp chi bộ tiến hành hoạt động giám sát và thông qua kết quả giám sát với chi bộ.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác giám sát của chi bộ đối với đảng viên, nhất là các đảng viên có chức vụ, đối tượng thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý. Chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ căn cứ chỉ đạo của cấp ủy và UBKT cấp trên chủ động định hướng nội dung, chương trình, kế hoạch giám sát đảng viên cho phù hợp. Trong công tác giám sát, tăng hoạt động giám sát theo chuyên đề đối với đảng viên, kết hợp cả giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp để có thông tin đầy đủ về đối tượng được giám sát. Thông qua giám sát, nếu thấy đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm thì bí thư chi bộ và chi ủy phải nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Đối với đảng viên có nội dung phải giải trình, cấp ủy chi bộ yêu cầu đảng viên có giải trình, báo cáo làm rõ đúng sai, quy định thời gian phấn đấu khắc phục, sửa chữa, không để trở thành vi phạm; nếu có vi phạm cần báo cáo Ủy ban Kiểm tra cơ sở (đối với chi bộ trong đảng bộ cơ sở) hoặc Ủy ban Kiểm tra Quận ủy và tương đương (đối với chi bộ cơ sở) để tiến hành kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Phương pháp giám sát trực tiếp tại các kỳ sinh hoạt chi bộ rất quan trọng, đòi hỏi cấp ủy chi bộ phải quán triệt ý thức đấu tranh tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên với phương châm chân thành, thẳng thắn, công khai, không lợi dụng phê bình để đấu đá nội bộ. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, xuôi chiều, ngại va chạm, nhất là đối với đảng viên có chức, có quyền hoặc có nhiều năm cống hiến. Người chủ trì sinh hoạt chi bộ phải chủ động gợi ý nội dung cần giám sát, yêu cầu đảng viên được giám sát trình bày trung thực, đề nghị các đảng viên tham gia, đóng góp. Cấp ủy chi bộ thông báo kết quả giám sát gián tiếp để đảng viên trong chi bộ biết và tiếp thu hoặc mạnh dạn tham gia ý kiến đóng góp.

Đối với chi bộ nhiều đảng viên hoặc hoạt động phân tán thì nên phát huy hình thức giám sát theo chuyên đề. Chi bộ phải phân công rõ nhiệm vụ cho đảng viên thì công tác giám sát mới phát huy triệt để tác dụng tích cực để nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ đảng viên.

Thứ tư, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên. Cấp ủy cơ sở lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nội dung, chương trình tham gia xây dựng đảng bộ, chi bộ, giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên; chủ động quy định chế độ giao ban định kỳ giữa chi bộ và đại diện các tổ chức để nắm tình hình, từ đó định hướng nội dung giám sát cho từng chi bộ bảo đảm sát hợp.

Thứ năm, coi trọng việc sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác giám sát của chi bộ để phát huy ưu điểm, học hỏi kinh nghiệm hay, bổ ích và rút kinh nghiệm. UBKT cấp huyện và tương đương tham mưu với cấp ủy cùng cấp có kế hoạch lãnh, chỉ đạo cấp ủy cơ sở sơ kết, tổng kết chuyên đề về hoạt động giám sát của chi bộ. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng giám sát cho chi bộ và đảng viên; các yêu cầu chỉ đạo sau giám sát của chi bộ đối với đảng viên được giám sát.

Công tác giám sát của chi bộ nếu phát huy tốt sẽ có tác dụng tích cực giúp đảng viên sớm nhận ra hạn chế, khuyết điểm, và có biện pháp điều chỉnh, phấn đấu không để xảy ra vi phạm. Để công tác giám sát của chi bộ đạt kết quả tốt phải có nhận thức và hành động thống nhất của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp và mỗi đảng viên, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội và Nhân dân. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng, phát huy tích cực vai trò lãnh đạo của chi bộ và đảng viên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội./.

Ths Nguyễn Quỳnh Giao(GVC, Khoa XDĐ, HVCT Khu vực I)


Số lượt người xem: 613    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA