Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
8
5
4
1
0
Kiểm tra - Giám sát thi hành kỷ luật trong Đảng 24 Tháng Mười Một 2021 3:45:00 CH

Một số điểm mới trong quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu với Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng thay thế Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng. Quy định có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất: Tên gọi là "Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng", để nâng cao hiệu lực của Quy định, có nội dung toàn diện hơn, bao quát được tất cả các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (thay vì chỉ hướng dẫn thực hiện Chương VII, Chương VIII, Điều lệ Đảng).

Thứ hai: Kết cấu của Quy định được bố cục, sắp xếp hệ thống, khoa học, chặt chẽ, dễ nhớ, dễ thực hiện. Quy định có 7 chương, 36 Điều , gồm Chương I: Quy định chung; Chương II: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Chương III: Thi hành kỷ luật trong Đảng; Chương IV: Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; Chương V: Giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng; Chương VI: Đình chỉ sinh hoạt đảng; Chương VII: Tổ chức thực hiện .

Thứ ba: Quy định bổ sung một số nội dung quan trọng để cụ thể hoá Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng theo hướng tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả bảo đảm khách quan, dân chủ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi, cụ thể:

1. Về quy định chung

Đây là phần mới trong kết cấu của Quy định, nội dung quy định một số nguyên tắc chung làm căn cứ để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của tổ chức đảng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, quy định đã bổ sung một số nguyên tắc quan trọng, đó là:

- Một là " Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung .." Đây chính là cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng luôn khuyến khích, vinh danh và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đương đầu với khó khăn thử thách quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

- Hai là " Không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát" để phòng ngừa việc đối tượng kiểm tra, giám sát ghi âm, ghi hình các nội dung đang trong quá trình kiểm tra, giám sát chưa được phép công khai để sử dụng cho mục đích xấu và bảo đảm giữ bí mật danh tính người tố cáo trong giải quyết tố cáo.

- Ba là "Giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh” để đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Đảng, đây là nội dung được cụ thể hóa từ Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 01/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng. Việc thực hiện thẩm tra, xác minh trong giám sát chuyên đề nhằm mục đích chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng

- Bốn là “Trường hợp quyết định thay đổi hình thức kỷ luật, thì thời hạn chấp hành kỷ luật được tính từ ngày quyết định kỷ luật đầu tiên có hiệu lực” . Bổ sung quy định này nhằm thống nhất và tháo gỡ vướng mắc về thời hiệu của quyết định kỷ luật; đảm bảo kỷ luật được xử lý nghiêm minh nhưng phải chính xác, khách quan, công bằng và nhân văn cho đảng viên bị kỷ luật. Để đảng viên bị kỷ luật không phải chấp hành thêm thời gian của một quyết định kỷ luật tiếp theo khi hình thức kỷ luật thay đổi.

2. Về thẩm quyền của cấp ủy, tổ chức Đảng

Để khắc phục tồn tại vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của cấp ủy, tổ chức đảng thời gian qua, dự báo các hành vi, vi phạm mới; đảm bảo đáp ứng được nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Quy định đã bổ sung một số thẩm quyền, nhiệm vụ mới cho cấp ủy, tổ chức đảng:

- Một là “Lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Để cụ thể hóa và thống nhất với quy định: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và nhiệm vụ của đảng viên “Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành… pháp luật của Nhà nước” và quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy và của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát

- Hai là  “Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán...” Để chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong công tác phòng chống tham nhũng đảm bảo xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án với phương châm công tác kiểm tra đi trước, “mở đường”, làm cơ sở cho công tác thanh tra, điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật; chủ động thực hiện nhiệm vụ góp phần trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án.

- Ba là: Giao cho tổ chức đảng cấp trên chủ động quyết định cách thức giải quyết: “Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý, thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xem xét, xử lý.”  để việc xem xét, xử lý phù hợp thực tiễn và lỗi phạm, tránh việc cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên phải xem xét, xử lý vi phạm của đảng viên thuộc thẩm quyền của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới, mất nhiều thời gian và tăng thủ tục hành chính như quy định trước đây.

- Bốn là: Quy định thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên cho ban thường vụ đảng ủy cơ sở: “Ban thường vụ đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý)" và “... ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên có quyền kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới theo quy định”  để thống nhất với thẩm quyền thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại và các nhiệm vụ khác của ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở theo quy định của Điều lệ Đảng.

- Năm là: Quy định cụ thể các trường hợp không giải quyết tố cáo trong trường hợp tự nguyện rút đơn nay tố lại, hoặc đã có thông báo không xem xét, giải quyết , tránh việc một số đối tượng lợi dụng quy định về giải quyết tố cáo trong Đảng gây mất ổn định cho tổ chức và mất thời gian, công sức của các tổ chức đảng. Đồng thời, quy định việc giải quyết tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu "Trường hợp đảng viên là cấp uỷ viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền giải quyết tố cáo của các tổ chức đảng được thực hiện như đang đương chức"  để làm căn cứ giải quyết thống nhất trong toàn Đảng.

3. Về thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra các cấp

Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật; công tác hướng dẫn và chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới, Quy định đã giao thêm một số nhiệm vụ:

- Một là: "ủy ban kiểm tra cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng" nội dung này được chứng minh trong nhiệm kỳ XII, các tổ chức đảng đã thực hiện nghiêm túc các kết luận kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra cấp trên và đạt được kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc cụ thể hóa trong Quy định mới sẽ xác định rõ trách nhiệm và làm tăng hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các kết luận của ủy ban kiểm tra cấp trên.

- Hai là: Giao nhiệm vụ tham mưu giúp cấp ủy và thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quan điểm kỷ luật đảng phải đi trước một bước trong xử lý đảng viên: "Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, thì chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến ủy ban kiểm tra cùng cấp để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng".

"Ủy ban kiểm tra kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án do các cơ quan chức năng thụ lý".

Quy định mới thể hiện rõ quan điểm, tinh thần của Đảng là tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn. Thời gian tới, để thực hiện nhiệm vụ này các tổ chức đảng phải kiên quyết, kiên trì, liên tục không ngừng nghỉ lãnh đạo, chỉ đạo ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực; chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Ba là: Quy định ủy ban kiểm tra được "yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước” trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Việc quy định thẩm quyền này cho ủy ban kiểm tra các cấp để giữ vững nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật của Đảng và kịp thời ngăn chặn những vi phạm, hạn chế hậu quả phát sinh do việc ban hành các quy định sai trái của tổ chức đảng và đảng viên có thẩm quyền.

Bốn là: Bổ sung thẩm quyền cho ủy ban kiểm tra các cấp: “... quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới trực tiếp” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật luật đảng , theo đúng phương châm công minh, chính xác kịp thời trong thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng vi phạm. Quy định này đã tháo gỡ được vướng mắc của ủy ban kiểm tra các cấp trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng cấp dưới cấp trực tiếp. Tuy nhiên, do chưa quy định thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng nên khi phát hiện, kết luận tổ chức đảng có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chuyển vụ việc đến cấp ủy quản lý thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.

Năm là: Quy định đầy đủ nhiệm vụ "Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận)" theo quy định của Điều lệ Đảng. Theo quy định, ủy ban kiểm tra được lập ở 4 cấp do cấp ủy cùng cấp bầu, có 6 nhiệm vụ, việc quy định cụ thể cho ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở thẩm quyền thi hành kỷ luật và các nhiệm vụ khác theo quy định của Điều lệ là thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, đồng thời phải trao quyền cho cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) .

Sáu là: Quy định " Việc giữ gìn đạo đức, lối sống và thực hiện trách nhiệm nêu gương theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư" vào nội dung giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp. Quy định này là cụ thể hóa Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên là để củng cố niềm tin của dân đối với đảng và khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Thời gian tới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư cùng với nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng sẽ có những bước tiến mới, đạt được nhiều kết quả hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng được sự đòi hỏi của Đảng, nhân dân và đất nước.

      (Nguồn: Trích từ bài phát biểu của đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương).           


Số lượt người xem: 571    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA