Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
3
5
6
9
1
0
Tin tức sự kiện 24 Tháng Giêng 2011 9:45:00 SA

Đảng Cộng Sản Việt Nam qua các thời kỳ Đại hội

Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua mười kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ chính thức khai mạc vào ngày 12 tháng 1 năm 2011.

 

Từ ngày 3 đến 7/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản (An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã đề ra Chánh cương vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, vạch ra đường lối giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam. Tổng bí thư đầu tiên của Đảng là đồng chí Trần Phú.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I
Diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935 tại phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự Đại hội có 13 đại biểu chính thức. Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu của Đảng trước mắt là: củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi và chống chiến tranh đế quốc.
Ban Chấp hành Trung ương gồm 9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Đại hội đánh dấu sự khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước; thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành TW Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II
Diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ toàn Đông Dương. Đây là Đại hội Đảng được tổ chức lần đầu tiên ở trong nước. Do sự phát triển và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, Đại hội quyết định xây dựng ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Cộng sản riêng. Ở Việt Nam, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết, Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức, 1 ủy viên dự khuyết và Ban Bí thư. Đại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III
Diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước. Nhiều đoàn đại biểu quốc tế đến tham dự Đại hội.
Ban Chấp hành Trung ương gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội III của Đảng có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đường lối cách mạng do Đại hội vạch ra là ngọn đèn pha sáng ngời chiếu rọi con đường của nhân dân ta tiến tới chủ nghĩa xã hội, tiến tới thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV
Diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.008 đại biểu thay mặt cho hơn 1,5 triệu đảng viên trong cả nước và 29 đoàn đại biểu của các đảng và tổ chức quốc tế.
Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết, Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội lần thứ IV của Đảng là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, khẳng định và xác định đường lối đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V
Diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự có 1.033 đại biểu thay mặt cho hơn 1,7 triệu đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở trong cả nước và 47 đoàn đại biểu của các đảng và tổ chức quốc tế.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm có 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Ban Bí thư gồm 10 đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng ta trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước, trong điều kiện cụ thể ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI
Diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986 tại Hà Nội với chủ đề: “Đổi mới toàn diện đất nước vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội”. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên của cả nước và 32 đoàn đại biểu của đảng và tổ chức quốc tế.
Ban Chấp hành Trung ương gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức, 1 ủy viên dự khuyết.
Ban Bí thư gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội VI của Đảng là Đại hội kế thừa và quyết tâm đổi mới, đoàn kết để tiến lên.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII
Diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27/6/1991 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho trên hai triệu đảng viên cả nước.
Đại hội đã bầu 146 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được giao trọng trách Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.
Đại hội VII của Đảng được đánh giá là "Đại hội của trí tuệ - đổi mới, dân chủ - kỷ cương - đoàn kết".
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII
Diễn ra từ ngày 28 - 6 đến ngày 1/7/1996 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đại biểu thay mặt cho 2.130.000 đảng viên trong cả nước và còn có 41 đoàn đại biểu quốc tế.
Ban Chấp hành Trung ương gồm 170 ủy viên, Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên, đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công tiếp tục làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 26/12/1997, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội VIII đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân ta, vì tình hữu nghị và sự hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX
Diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22/4/2001 tại Hà Nội với chủ đề: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Dự đại hội có 1.168 đại biểu thay mặt cho 2.479.719 đảng viên trong cả nước và 35 đoàn đại biểu của các đảng và tổ chức quốc tế.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 150 ủy viên. Bộ Chính trị gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đại hội lần thứ IX của Đảng là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, thể hiện ý chí kiên cường và niềm hy vọng lớn lao của cả dân tộc trong thời điểm lịch sử trọng đại bước vào thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X
Diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25/ 4/2006 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho 3,1 triệu đảng viên trong cả nước.
Ban Chấp hành Trung ương khóa X gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị có 14 đồng chí, Ban Bí thư có 8 đồng chí, Ủy viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng, mở ra giai đoạn phát triển mạnh và đi vào chiều sâu của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
 
 
Tin, ảnh: Phan Thu

Số lượt người xem: 20426    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày